Ngân hàng

Rà soát tín dụng bất động sản, tính cách gỡ vốn cho nhà đất

(VNF) - Chiều nay (6/2), Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuộc họp với một số tổ chức tín dụng về việc tháo gỡ cho tín dụng bất động sản.

Rà soát tín dụng bất động sản, tính cách gỡ vốn cho nhà đất

Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo về tình hình vốn cho thị trường bất động sản. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và tổng giám đốc các tổ chức tín dụng….

Cuộc họp hôm nay nhằm ghi nhận ý kiến của các đơn vị liên quan để Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng sẽ diễn ra vào thứ Tư (ngày 8/2 tới đây) bàn về công tác tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Đây là cuộc họp được cộng đồng doanh nghiệp bất động sản chờ đợi với kỳ vọng tín dụng cho thị trường bất động sản sẽ có khởi sắc từ đầu năm.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ với các địa phương diễn ra vào hồi tháng 1/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan phải xác định khó khăn của thị trường bất động sản là nút thắt cần sớm giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực khác, như trái phiếu doanh nghiệp.

Thủ tướng đề nghị trong tháng 2 phải tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…

Bộ Xây dựng đánh giá, doanh nghiệp bất động sản đã và đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn hoặc tạm dừng thực hiện dự án.

Theo Bộ Xây dựng, từ cuối năm 2022 và trong năm 2023, một số doanh nghiệp địa ốc sẽ phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.

Tính đến cuối năm 2022, giá trị hàng tồn kho là quỹ đất và các dự án xây dựng dở dang lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, tăng rất mạnh so với trước đó.

Theo báo cáo về thị trường bất động sản quý IV/2022 và cả năm 2022 vừa được Bộ Xây dựng công bố, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản xấp xỉ 800.000 tỷ đồng. Cuối năm 2021, con số này chỉ khoảng 700.000 tỷ đồng.

Tin mới lên