Bất động sản

Rõ dần phương án đầu tư cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh gần 13.200 tỷ đồng

(VNF) - Dự án cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 13.174 tỷ đồng.

Rõ dần phương án đầu tư cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh gần 13.200 tỷ đồng

Ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp ngày 4/5 về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh theo hình thức PPP, ngày 18/5, UBND tỉnh Cao Bằng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (đại diện liên danh nhà đầu tư) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có chiều dài tuyến khoảng 121km, với tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 13.174 tỷ đồng theo tờ trình của UBND tỉnh Cao Bằng.

Cơ cấu nguồn vốn cụ thể gồm: vốn ngân sách nhà nước là 6.580 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng; ngân sách địa phương 4.080 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu là 1.228 tỷ đồng và vốn huy động khác là 5.366 tỷ đồng (vốn tín dụng khoảng 4.300 tỷ đồng, vốn hợp tác đầu tư - BCC khoảng 1.066 tỷ đồng).

Phần vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác sẽ được điều chỉnh phù hợp với phương án tài chính khả thi, đảm bảo phần vốn tín dụng tham gia với thời gian hoàn vốn tín dụng không quá 18 năm.

Theo nội dung thỏa thuận hợp tác đầu tư, UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dư án, bố trí vốn và giải ngân phần vốn ngân sách nhà nước theo đúng tiến độ, nhu cầu của dự án, trong đó ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng - tái định cư.

UBND tỉnh Cao Bằng cũng thống nhất với nhà đầu tư về tiến độ thực hiện dự án, báo cáo Thủ tướng chính phủ nhằm công bố cho người dân giám sát quá trình tổ chức thực hiện trong đó xác định trách nhiệm của các bên liên quan, làm cơ sở cam kết thực hiện đảm bảo tiến độ dự án.

UBND tỉnh Cao Bằng cũng có trách nhiệm báo cáo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết để đảm bảo cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu cho dự án theo Luật PPP và quy định pháp luật có liên quan.

Địa phương cũng cam kết, đồng hành và tạo mọi điều kiện tốt nhất để giải quyết các thủ tục đầu tư triển khai đảm bảo tiến độ các dự án kết nối cao tốc, các dự án bất động sản, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, khu kinh tế cửa khẩu, nhà đầu tư khai thác các công trình dịch vụ của dự án như trung tâm điều hành, trạm dừng nghỉ kiểm tra kỹ thuật – bảo trì - cứu hộ cứu nạn, dịch vụ quảng cáo... nhằm tạo nguồn lực cho tỉnh và các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.

Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

UBND tỉnh Cao Bằng cũng có trách nhiệm quy hoạch mỏ vật liệu (đất, cát, đá...), bố trí bãi, các khu phụ trợ để phục vụ thi công... giao nhà đầu tư thi công dự án khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Có phương án kiểm soát giá vật liệu tại địa phương, đảm bảo không có hiện tượng khan hiếm, tăng giá bất thường đối với những loại vật liệu sử dụng cho dự án.

Liên danh nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc lập đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi theo đúng quy định pháp luật về đầu tư PPP. Phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng để làm việc với các cơ quan có thẩm quyền liên quan trong quá trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư điều chỉnh, phê duyệt dự án.

Bên cạnh đó, liên danh nhà đầu tư cũng sẽ nghiên cứu các phương án kết nối với dự án một cách tối ưu để phát huy lợi thế cho khu vực mà dự án đi qua cũng như kết nối với các khu vực được quy hoạch, cảng cạn ICD, các khu công nghiệp, dịch vụ, logistics,...

Liên danh nhà đầu tư cam kết huy động đầy đủ các nguồn lực, tham gia góp vốn đảm bảo theo phương án tài chính được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đề xuất hoặc tham gia đăng ký đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và cam kết sử dụng lợi nhuận từ các dự án này đầu tư vào dự án cao tốc.

Ngoài ra, liên danh nhà đầu tư cũng có trách nhiệm phối hợp với các ngân hàng trong quá trình nhận cấp tín dụng và cam kết đáp ứng đầy đủ các điều kiện về nguồn trả nợ, tài sản bảo đảm, các điều kiện cụ thể khác của ngân hàng.

Về phía VPBank, ngân hàng này cam kết sau khi dự án khả thi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nếu liên danh nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện để nhận cấp tín dụng theo quy định pháp luật, VPBank cam kết sẽ phát hành bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng theo quy định của hồ sơ mời thầu.

VPBank cũng cam kết tài trợ khoản tín dụng tối đa khoảng 4.300 tỷ đồng theo tiến độ của dự án (số liệu được thống nhất cụ thể theo phương án tài chính của liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu) trong thời gian hoàn vốn tín dụng tối đa 18 năm.

Trong trường hợp cần thiết, VPBank sẽ làm đầu mối để cùng các ngân hàng khác thu xếp tổ chức hợp vốn để đồng tài trợ đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án.

Cũng tại buổi lễ, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Cùng ngày, đoàn công tác của UBND tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh Lạng Sơn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, cùng đại diện các ngân hàng đã tới dâng hương tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng).

Trước đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng hứa sẽ cùng các địa phương và ngân hàng, đoàn kết một lòng, hợp tác chặt chẽ, tập trung cao độ, thực hiện hoàn thành dự án đường cao tốc nối từ Lạng Sơn lên Cao Bằng trong năm 2025.

Tin mới lên