Tài chính

'Rối như canh hẹ' khi triển khai giảm thuế VAT: Gỡ cách nào?

Không thể phủ nhận rằng chính sách giảm thuế 2% giá trị gia tăng (VAT) sẽ giúp các doanh nghiệp, người dân giảm bớt một phần khó khăn về kinh tế, đồng thời tạo đà phục hồi trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.

'Rối như canh hẹ' khi triển khai giảm thuế VAT: Gỡ cách nào?

'Rối như canh hẹ' khi triển khai giảm thuế VAT : Gỡ cách nào?

"Rối tơ vò" khi thực hiện giảm thuế VAT

Việc giảm thuế VAT được thực hiện theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị định số 15 của Chính phủ ban hành ngày 28/1. Chính sách này áp dụng với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không phân biệt phương pháp tính thuế khấu trừ hay tính tỉ lệ % trên doanh thu.

Đây là lần đầu tiên thuế VAT được giảm đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến gia công, tiêu dùng, có tác dụng trực tiếp giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và giúp kích thích tái đầu tư sản xuất kinh doanh với đầu vào của nguyên vật liệu hoặc tái mua thêm hàng hóa tiêu dùng.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Phạm Quốc Việt, giám đốc Công ty TNHH MACT Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thuế, kế toán và pháp lý) cho hay, không thể phủ nhận rằng chính sách này sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp, người dân giảm bớt một phần khó khăn về kinh tế và đồng thời cũng tạo đà phục hồi trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Tuy nhiên, do Nghị định 15 mới có hiệu lực từ 1/2 nên trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp đang gặp phải hàng loạt vấn đề và lúng túng khi áp dụng.

Thứ nhất, doanh nghiệp không nắm rõ mặt hàng kinh doanh của mình có thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ áp dụng Nghị định không. Đặc biệt, một số doanh nghiệp gặp vướng mắc trong việc tra cứu mã ngành kinh doanh của mình có thuộc "Phụ lục I- Danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT" hay không. Ngoài ra, việc tra cứu một số mã HS ở khâu nhập khẩu cũng gặp khó khăn.

Thứ hai, một số trường hợp dễ gây hiểu lầm trong vấn đề áp dụng thuế suất GTGT của nguyên vật liệu đầu vào và thuế GTGT của sản phẩm đầu ra, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất. 

Cụ thể, nguyên vật liệu nhập khẩu của doanh nghiệp không được giảm thuế GTGT trong khi sản phẩm của doanh nghiệp lại được giảm thuế GTGT (do sản phẩm không thuộc Phụ lục I nêu trên) thì sản phẩm của doanh nghiệp đó có được hưởng giảm thuế GTGT hay không? Lý do là Nghị định 15 quy định việc giảm thuế áp dụng thống nhất từ khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

Thứ ba, các hàng hóa được bàn giao và dịch vụ được hoàn thành trước thời điểm Nghị định 15 có hiệu lực (1/2/2022) nhưng chưa được xuất hóa đơn, do đối soát công nợ sau ngày 1/2/2022, do nghỉ lễ Tết hoặc các lý do khách quan khác, thì hàng hóa, dịch vụ đó có được giảm thuế GTGT xuống 8% hay không? Hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung này.

Chị Nguyễn Thuý Nga, kế toán của một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp ở miền Nam cho biết, hiện doanh nghiệp của chị đang gặp khó khăn trong việc xác định mã sản phẩm áp dụng mức thuế.

Bởi, khi xuất hóa đơn hàng hóa ở khu vực miền Nam thì được áp mức thuế 8%, nhưng nếu mỗi khu vực, vùng miền có cách xác định mã sản phẩm khác nhau, nơi thì được áp 8%, nơi giữ nguyên 10%. Điều này khiến chị loay hoay suốt thời gian qua.

"Việc không thống nhất trong cách áp dụng mã sản phẩm ảnh hưởng khá lớn đến doanh nghiệp đang hoạt động. Chúng tôi mong Bộ Tài chính sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp dễ tiếp cận, tra soát chính xác hơn, bảo đảm theo quy định của pháp luật", chị Nga nói.

Gỡ khó bằng cách nào?

Khi được hỏi, có nên giảm thuế VAT đồng loạt xuống còn 8% với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ không?, ông Phạm Quốc Việt cho rằng, với các chính sách mới được ban hành, chắc chắn Chính phủ cũng đã tham khảo ý kiến của nhiều ban ngành và khảo sát các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, cũng như đánh giá các tác động tích cực và tiêu cực đối với nền kinh tế trước khi đưa Chính sách vào thực hiện.

Do đó, chính sách đưa ra mới không giảm toàn bộ thuế GTGT của tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ xuống 8%.

"Việc đưa chính sách mới vào cuộc sống sẽ có những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện. Do đó, việc đồng hành và hỗ trợ giải đáp vướng mắc từ cơ quan thuế trong quá trình thực thi là vô cùng cần thiết. Chính phủ cần đưa ra các hướng dẫn cụ thể để việc thực thi Chính sách được hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các chế tài phạt được đưa ra do áp dụng không đúng chính sách, theo ông Việt "là cần thiết để chính sách được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhằm đạt đến mục tiêu mà Chính phủ đã tính toán và hướng tới", ông Việt nói.

Vị này cũng khuyến nghị, ngành thuế cũng có thể tổ chức những buổi hội thảo cập nhật, tuyên truyền chính sách mới cho người nộp thuế và tiếp thu ý kiến vướng mắc của các doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh và người dân trong quá trình thực hiện chính sách để đưa ra các giải đáp và hướng dẫn cụ thể cần thiết. 

Xem thêm: Thuế VAT giảm xuống còn 8% từ ngày 1/2

Tin mới lên