Bất động sản

Rót 270 tỷ đồng sửa cầu Thăng Long trong 5 tháng

(VNF) - Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, trong tháng 7/2020, Tổng Cục đường bộ Việt Nam (ĐBVN) sẽ phải sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu Thăng Long, thời gian thực hiện trong 5 tháng.

Rót 270 tỷ đồng sửa cầu Thăng Long trong 5 tháng

Trả lời VietnamFinance, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết: "Bắt đầu từ cuối tháng 7/2020, chúng tôi sẽ chính thức tiến hành sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Hiện tại, Tổng Cục ĐBVN đã có thông báo về lộ trình cấm các phương tiện qua cầu".

Về phương án sữa chữa bề mặt cầu, ông Huyện cho hay đây là vấn đề khá phức tạp mà nhiều năm qua vẫn chưa sửa chữa dứt điểm được. Suốt 2 năm qua, Tổng cục đã nghiên cứu phương án sửa chữa cầu Thăng Long trên cơ sở tiếp thu công nghệ của nhiều nước đã áp dụng. 

"Dự kiến, nhà thầu sẽ cào bóc sạch lớp bêtông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép, sau đó, hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép. Lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bêtông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao. Sau đó, các đơn vị sẽ thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận", ông Huyện nói.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, "trong lần sửa chữa này, Tổng cục cũng sẽ sửa các khe co giãn đã hư hỏng để khi sửa xong sẽ tăng cường lực.  Ngoài ra, Tổng cục cũng sẽ thuê chuyên gia nước ngoài cùng chuyên gia Việt Nam giám sát quá trình thi công".

Ngoài ra, Tổng cục đã đề xuất Bộ GTVT cho phép lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe cố định, tự động để kiểm soát xe quá tải qua cầu Thăng Long.

"Có thể lắp đặt ở đầu cầu phía Bắc hoặc phía Nam, sẽ có 4 bộ cân được lắp đặt, mỗi chiều đường lắp đặt 2 bộ để kiểm soát 100% xe chở quá tải qua cầu Thăng Long", ông Huyện nói.

Còn theo ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), hiện TP. Hà Nội sẽ điều chỉnh lộ trình 16 tuyến buýt đang hàng ngày lưu thông qua cầu Thăng Long để phục vụ sửa chữa mặt cầu.

Cụ thể, thay vì di chuyển theo hướng Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - Võ Văn Kiệt và ngược lại, từ tháng 7/2020, các tuyến số 53A, 53B, 60B, 61, 64, 109, 212 sẽ đi theo hướng: Phạm Văn Đồng - đường DT1 (cổng phía nam công viên Hòa Bình) - đường nội bộ khu đô thị Hồ Tây - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt và ngược lại.

Cầu Thăng Long xây dựng hoàn thành vào năm 1985. Trong đó, cầu chính vượt sông dài 1,68km gồm 15 nhịp giàn thép. Cầu gồm 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Cầu ôtô nằm ở tầng trên có chiều rộng 20,5m. Cầu đường sắt và xe thô sơ nằm phía dưới rộng 17m, cách tầng trên 14,1m.

Sau hơn 20 năm khai thác, đến năm 2009, Bộ Giao thông vận tải đã sửa chữa mặt cầu bằng nhựa polyme SMA và thay thế sáu khe co giãn của mặt cầu với tổng mức đầu tư hơn 90 tỉ đồng.

Ngày 23-12-2009, mặt cầu được đưa vào sử dụng nhưng sau một tháng đã xuất hiện tình trạng nứt vỡ. Từ đó đến nay, mặt cầu thường xuyên được sửa, vá nhưng không chấm dứt triệt để tình trạng nứt, vỡ.


Hiện nay, đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đang triển khai thi công và sẽ hoàn thành vào quý 4-2020. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ cho rằng việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long để hoàn thành khai thác đồng bộ với đường vành đai 3 là hết sức cần thiết và cấp bách.

Tin mới lên