Học thuật

Rủi ro không hệ thống là gì? Các loại rủi ro không hệ thống

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Rủi ro không hệ thống (nonsystem risk or random risk) là gì? Các loại rủi ro không hệ thống

Rủi ro không hệ thống là gì? Các loại rủi ro không hệ thống

Rủi ro không hệ thống hay rủi ro ngẫu nhiên (nonsystem risk or random risk) là bộ phận cấu thành tổng mức rủi ro trong mô hình định giá đầu tư với việc nắm giữ một loại chứng khoán cụ thể nào đó.

Rủi ro không hệ thống là gì?

Rủi ro không hệ thống hay rủi ro ngẫu nhiên (nonsystem risk or random risk) là bộ phận cấu thành tổng mức rủi ro trong mô hình định giá đầu tư với việc nắm giữ một loại chứng khoán cụ thể nào đó. Khác với rủi ro mang tính hệ thống hay rủi ro thị trường, rủi ro không hệ thống độc lập với những biến thiên chung của thị trường. Các biến cố chỉ gắn với một chứng khoán có thể phát sinh từ quyết định của công ty, chẳng hạn chính sách phân phối cổ tức, những thay đổi trong cơ cấu vốn và việc tuyển dụng giám đốc điều hành ở cấp cao nhất. Những thay đổi trong giá cổ phiếu của một công ty có thể dương hoặc âm tùy thuộc vào quan điểm của các nhà đầu tư.

Người ta cho rằng những biến thiên không hệ thống như thế xảy ra một cách ngẫu nhiên, cho nên nếu cơ cấu cổ phiếu đủ lớn và được đa dạng hóa một cách hợp lý, các độ lệch sẽ bù trừ nhau, tức có tổng bằng 0.

Điều này hàm ý, nếu các nhà đầu tư có thể loại rủi ro riêng có của từng loại chứng khoán hay rủi ro ngẫu nhiên bằng cách đa dạng hóa cơ cấu tài sản đầu tư của mình, thì sự quan tâm của họ về mức rủi ro phải chịu khi nắm giữ một tài sản có thể biểu thị hoàn toàn bằng mối quan hệ tuyến tính của hệ số bêta phản ánh rủi ro có hệ thống. Hai thành tố rủi ro có hệ thống và không hệ thống đôi khi được gọi là rủi ro không thể đa hóa và rủi ro có thể đa dạng hóa (tức loại trừ được bằng cách đa dạng hóa).

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Các loại rủi ro không hệ thống

Rủi ro kinh doanh xuất phát từ tình trạng hoạt động của công ty, khi có những thay đổi trong tình trạng này công ty có thể sẽ bị sút giảm lợi nhuận và cổ tức. Nói cách khác, nếu lợi nhuận dự kiến tăng 10% hàng năm trong những năm tiếp theo, rủi ro kinh doanh sẽ cao hơn nếu như lợi nhuận tăng tới 14% hay giảm xuống 6% so với lợi nhuận nằm trong khoảng 9-11%. Rủi ro kinh doanh có thể được chia làm hai loại cơ bản: Bên ngoài và nội tại. Rủi ro kinh doanh nội tại phát sinh trong quá trình vận hành hoạt động của công ty. Mỗi công ty có một loại rủi ro nội tại riêng và mức độ thành công của mỗi công ty thể hiện qua hiệu quả hoạt động.

Mỗi công ty có một kiểu rủi ro bên ngoài riêng, phụ thuộc vào các yếu tố môi trường kinh doanh cụ thể của công ty. Các yếu tố bên ngoài, từ chi phí tiền vay đến sự cắt giảm ngân sách, từ mức thuế nhập khẩu tăng đến sự suy thoái của chu kỳ kinh doanh. .., và có lẽ yếu tố quan trọng nhất là chu kỳ kinh doanh. Doanh số của một số ngành công nghiệp thép, ô tô có xu hướng bám sát chu kỳ kinh doanh trong khi doanh số của một số ngành khác lại có xu hướng đi ngược lại. Các chính sách chính trị cũng là một phần của rủi ro bên ngoài, các chính sách tiền tệ và tài khoá có thể làm ảnh hưởng đến thu nhập thông qua tác động về chi phí và nguồn vốn.

Rủi ro tài chính liên quan đến việc công ty tài trợ vốn cho hoạt động của mình. Người ta thường tính toán rủi ro tài chính bằng việc xem xét cấu trúc vốn của một công ty. Sự xuất hiện của các khoản nợ trong cấu trúc vốn sẽ tạo ra cho công ty những nghĩa vụ trả lãi mà phải được thanh toán cho chủ nợ trước khi trả cổ tức cho cổ đông nên nó có tác động lớn đến thu nhập của họ. Rủi ro tài chính là rủi ro có thể tránh được trong phạm vi mà các nhà quản lý có toàn quyền quyết định vay hay không vay. Một công ty không vay nợ chút nào sẽ không có rủi ro tài chính.

Bằng việc đi vay, công ty đã thay đổi dòng thu nhập đối với cổ phiếu thường. Cụ thể là, việc sử dụng tỷ lệ vay nợ gây những hệ quả quan trọng đối với những người nắm giữ cổ phiếu thường, đó là làm tăng mức biến động trong thu nhập của họ, ảnh hưởng đến dự kiến của họ về thu nhập, và làm tăng rủi ro của họ.

Giả sử chúng ta có hai công ty có hoạt động kinh doanh như nhau, chỉ khác nhau về cơ cấu vốn: Công ty C, nguồn vốn hoàn toàn từ 1 triệu cổ phiếu thường, bán với giá 20 đôla/1cổ phiếu. Công ty khác, công ty D, có nguồn một nửa là từ cổ phiếu thường 500.000 cổ phiếu, bán với giá 20 đô la/ cổ phiếu và một nửa là từ vay nợ 10 triệu USD với lãi vay là 5%.

Như vậy, tài sản có của mỗi công ty là 20 triệu USD, dự kiến sẽ có lợi nhuận 1 triệu đô la, hay là 5% trên tổng tài sản. Chúng ta giả sử rằng không có thuế thu nhập công ty. Thu nhập 1 triệu đô la có thể dễ dàng chuyển đổi sang thu nhập cho mỗi cổ phiếu. Công ty C sẽ có lãi 1 đô la/1 cổ phiếu. Công ty D phải trả lãi 500.000 đô la và phần còn lại chia cho cổ phiếu cũng được lãi 1 đô la/1cổ phiếu. Tại điểm này, cả hai công ty đều có mức thu nhập trên cổ phiếu là 1 đô la.

Như vậy ta không thấy có hệ quả của việc vay nợ đối với thu nhập của cổ đông. Nhưng nếu năm tiếp sau đó, lợi nhuận cả hai công ty tăng thêm 50%, vậy trong trường hợp của công ty D, cổ đông được hưởng thêm 1 đô la/cổ phiếu nhiều hơn cổ đông của công ty C chỉ được hưởng thêm 0,5 đô la/cổ phiếu, vì lợi nhuận D lúc đó là 1,5 triệu đô la mà vẫn chỉ phải trả lãi suất 5% trên số tiền cho vay. Ngược lại, nếu lợi nhuận giảm 50% sẽ làm cho lợi nhuận trên 1 cổ phiếu của công ty C giảm xuống 50% từ 1 đô la xuống 0,5 đô la nhưng lợi nhuận trên một cổ phiếu của Công ty D sẽ giảm từ 1 xuống 0. Qua đó chúng ta thấy được những hậu quả trực tiếp mà rủi ro tài chính gây ra cho thu nhập của nhà đầu tư chứng khoán.

 

Tin mới lên