Tài chính

Rủi ro từ đòn bẩy tài chính của GEX

Hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Cổ phần thiết bị điện Việt Nam (HoSE: GEX) cuối quý II/2019 gần 150%, tăng khá mạnh so với mức 116% được ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro từ đòn bẩy tài chính của GEX

Rủi ro từ đòn bẩy tài chính của GEX.

Thanh khoản cổ phiếu giảm mạnh

Trong quý II vừa qua, GEX đạt doanh thu thuần 4.036 tỷ đồng, tăng trưởng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ kiểm soát tốt giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp tăng gần 45% lên 738 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 52,7% lên 125 tỷ đồng nhờ có thêm 55 tỷ đồng từ cổ tức và lợi nhuận được chia. Trong khi chi phí tài chính tăng 39% lên 217 tỷ đồng, chủ yếu là do chi phí lãi vay tăng gần 50 tỷ đồng. Điều này phù hợp với thực tế vay nợ để thâu tóm các công ty con của GEX. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 66,2% và 11,7%.

Kết quả, GEX ghi nhận lãi sau thuế 302 tỷ đồng, tăng 84,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt vỏn vẹn 192 tỷ đồng. Theo giải trình của GEX, lợi nhuận quý II tăng trưởng hơn quý I/2019 là do lợi nhuận gộp của khối ngành thiết bị điện tăng 45% và lợi nhuận gộp của khối ngành logistics tăng 48% nhờ tối ưu hóa trong sản xuất.

Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, GEX đạt lợi nhuận ròng 465 tỷ đồng, giảm gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Được biết, năm 2019, GEX dự kiến tổng doanh thu hợp nhất đạt khoảng 16.700 tỷ đồng, tăng 22% so với thực hiện năm 2018. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.380 tỷ đồng, giảm 10% so với thực hiện năm ngoái.

Theo báo cáo về phân tích kỹ thuật của các công ty chứng khoán cho thấy GEX đang nằm trong nhịp điều chỉnh ngắn hạn từ ngưỡng kháng cự 25.000đ/cp (Fibonacci 38,2%). Thanh khoản trong các phiên giao dịch gần đây đang có xu hướng giảm giảm mạnh. Cổ phiếu đã chạm ngưỡng hỗ trợ 22.000đ/cp, cũng là ngưỡng kháng cự 3 tháng đầu năm 2019.

Chỉ báo MACD đang báo hiệu xu hướng tích lũy trong khi chỉ báo RSI ủng hộ xu hướng hồi phục nhẹ. Tuy mức giá giao dịch nằm dưới dải mây ichimoku, nhưng việc dải mây thu hẹp cùng với xu hướng đi ngang cho thấy cổ phiếu có khả năng cao sẽ tiến vào xu hướng tích lũy.

Tuy nhiên thanh khoản của cổ phiếu này đáng bàn. Theo nhà đầu tư Nguyễn Minh-sàn ACBS, giao dịch cổ phiếu GEX chỉ vài trăm ngàn đơn vị mỗi phiên. Điển hình ngày 2/8 chỉ có 614 ngàn đơn vị cổ phiếu được khớp lệnh với giá trị giao dịch vẻn vẹn 16 tỷ đồng; Ngày 1/8 có 537 cổ phiếu được khớp lệnh với giá trị vẻn vẹn 237 triệu đồng... Rất hiếm khi cổ phiếu này giao dịch đến 1 triệu đơn vị. Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại liên tục bán ra, có phiên giao dịch bán ra chiếm gần 5% giao dịch toàn thị trường...

Gánh nặng nợ đè trên vai

Theo Báo cáo tài chính quý II/2019, nợ của GEX tăng vọt là do khoản mục tài sản tăng mạnh nhất, đó chính là đầu tư tài chính dài hạn, tăng thêm 2.590 tỷ đồng tăng lên 4.328 tỷ đồng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, GEX và một công ty con đã chi ra gần 2.500 tỷ đồng để mua gần 112 triệu cổ phiếu VGC, chiếm 24,96% vốn điều lệ của Viglacera.

Tổng công ty Cổ phần thiết bị Điện Việt Nam (mẹ) hiện đang sở hữu gần 54,83 triệu cổ phiếu VGC của Viglacera, tương ứng với 12,23% vốn điều lệ. Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex đang sở hữu 57,1 triệu cổ phần VGC, tương đương với gần 12,74% vốn điều lệ Viglacera.

Ông Nguyễn Chính- nhà đầu tư hiện sở hữu cổ phiếu VGC cho biết hiện nay, nhóm GEX là cổ đông lớn thứ hai của Viglacera, sau Bộ Xây dựng. Do GEX đang sở hữu dưới 25% vốn điều lệ nên Viglacera chưa phải công ty liên kết của GEX. Do vậy, kết quả kinh doanh của Viglacera cũng chưa được phản ánh hợp nhất vào báo cáo tài chính chung của GEX nên nợ vay lớn mà doanh thu giảm.

Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả của GEX tăng 32,5% tương ứng với 3.017 tỷ đồng lên mức 12.301 tỷ đồng tại ngày 30/6. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 1.514 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 954 tỷ đồng. Khoản mục Phải trả ngắn hạn khác cũng tăng sốc gần 1.300 tỷ đồng, chủ yếu do tăng số dư thư tín dụng (LC) phải trả ngân hàng.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của GEX tại ngày 30/6 tăng 4,1% (tương đương 324 tỷ đồng) so với ngày đầu năm, đạt 8.289 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn của GEX tại thời điểm cuối quý II/2019 là gần 150%, tăng khá mạnh so với mức 116% được ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào để doanh nghiệp có thể chi trả cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Nếu hệ số này lớn hơn 1, có nghĩa là tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ, còn ngược lại thì tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi nguồn vốn chủ sở hữu. Nhìn các chỉ số tài chính của GEX thấy rằng hầu hết các tài sản của doanh nghiệp hình thành trên vay nợ, đây là điều khó khăn cho doanh nghiệp này khi tiếp tục bành trướng và triển khai mạnh các thương vụ M&A", ông Hiếu nhấn mạnh.

Còn chuyên gia tài chính Nguyễn Hữu Hùng-Công ty kiểm toán KPMG phân tích hệ số nợ/vốn chủ sở hữu càng càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp đó an toàn, ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Hệ số này càng lớn nhìn từ GEX nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng cao.

"Các chủ nợ hay ngân hàng cũng thường xem xét, đánh giá kỹ hệ số nợ (và một số hệ số tài chính khác) để quyết định có cho doanh nghiệp vay hay không. Tuy nhiên, việc sử dụng nợ vay cũng có một ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được hạch toán vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, Ban lãnh đạo GEX phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo một tỷ lệ hợp lý nhất nếu không rất dễ đối mặt với nguy cơ phá sản hiện hữu…", ông Hùng cho biết.

Tin mới lên