Công nghệ

Rủi ro và cơ hội từ IPO công nghệ

Đông Nam Á đang tận hưởng sự bùng nổ công nghệ. Thương vụ M&A lịch sử giữa Grab và một SPAC có thể nâng định giá kỳ lân này lên gần 40 tỷ USD, mở ra chương mới cho bức tranh startup khu vực.  

Rủi ro và cơ hội từ IPO công nghệ

Grab chuẩn bị IPO tại Mỹ thông qua công ty SPAC. (Ảnh: Internet)

Grab sẽ là cái tên tiếp theo sau Sea niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Cổ phiếu Sea nằm trong số các cổ phiếu hoạt động tốt nhất trên toàn cầu năm 2020 nhờ nền tảng thương mại điện tử Shopee tăng trưởng mạnh. Cả hai đều đặt trụ sở tại Singapore.

Trong khi đó, hai kỳ lân Gojek và Tokopedia của Indonesia chuẩn bị sáp nhập thành GoTo. GoTo cũng đặt mục tiêu IPO tại Mỹ cuối năm nay. Theo Nikkei, sẽ có thêm nhiều công ty đi theo Grab và GoTo nhờ sự bùng nổ của thị trường vốn và SPAC giúp lộ trình IPO trở nên đơn giản hơn. Một số kỳ lân khác như Traveloka, Bukalapak đã úp mở về ý định IPO.

Sự bùng nổ này đi cùng với lượng tiền khổng lồ. Hàng tỷ USD vốn tư nhân từ các tập đoàn như SoftBank, Uber, Facebook, Google, Microsoft, Tencent… đã được bơm vào những doanh nghiệp trong cuộc đua “đốt tiền” chiếm thị phần tại các nền kinh tế đặc biệt cạnh tranh như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam.

Tuy nhiên, các công ty Đông Nam Á phát hành cổ phiếu tại phương Tây cũng là phép thử quan trọng cho các tiêu chuẩn quản trị tại đây. Châu Á nổi tiếng cấu trúc quản trị doanh nghiệp chưa hoàn thiện. Những bê bối liên quan tới doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ là lời nhắc nhở rằng IPO tiềm ẩn nhiều vấn đề lớn hơn.

Trong hồ sơ của mình, Grab vạch ra một số rủi ro, bao gồm cuộc điều tra vào các vi phạm luật chống tham nhũng tiềm ẩn liên quan tới một thị trường đang hoạt động. Công ty đã báo cáo vi phạm cho Bộ Tư pháp Mỹ và từ chối bình luận thêm.

Cùng lúc này, Anthony Tan – nhà sáng lập kiêm CEO Grab – được trao 60,4% quyền biểu quyết trong công ty dù chỉ nắm 2,2% cổ phần. Một nhà sáng lập sở hữu mức độ kiểm soát cao như vậy không phải điều bất thường hay bất hợp pháp, song thực tế Tan giữ quá ít cổ phần có thể khiến vài nhà đầu tư lo lắng.

Tập đoàn MNC của doanh nhân Hary Tanoesoedibjo (Indonesia) tiết lộ kế hoạch niêm yết công ty con Asia Vision Network trên sàn Nasdaq thông qua sáp nhập SPAC. Ông đối mặt với một loạt cáo buộc tham nhũng trong những năm gần đây.

Các nhà đầu tư Mỹ hẳn chưa thể quên hành vi mập mờ của các công ty Trung Quốc. Nhà chức trách Mỹ đã phạt chuỗi café Lucking Coffee 180 triệu USD sau khi phát hiện “Starbucks của Trung Quốc” thay đổi sổ sách ngân hàng, lập cơ sở dữ liệu giả.

Một số công ty khác như nền tảng streaming iQiyi, nhà cung cấp dịch vụ đào tạo Tal Education, tập đoàn công nghệ Joyy… từng bị điều tra gian lận.

Tất nhiên, không có điều gì hoàn hảo: các công ty phương Tây cũng chứng minh cơ cấu quản trị có vấn đề thông qua các bê bối như Wirecard hay nhiều vụ khác.

Dù vậy, sự nghi ngờ vẫn còn đó. Cổ phiếu Sea tăng 395% năm ngoái ngay cả khi công ty chưa từng có lãi và không có dấu hiệu sẽ sớm đạt được lợi nhuận. Grab cũng thua lỗ hàng năm kể từ khi hoạt động và dự kiến tới năm 2023 mới có lãi. Grab thậm chí còn đốt tiền nhiều hơn cả Sea. Năm 2020, “siêu ứng dụng” báo lỗ ròng 2,7 tỷ USD trên doanh thu ròng 1,6 tỷ USD. Lỗ lũy kế chạm mốc 10 tỷ USD vào cuối năm 2020.

Sau tất cả, chưa bao giờ các nhà đầu tư tiếp cận nền kinh tế Internet Đông Nam Á nhiều như vậy. Đây là khu vực năng động với 655 triệu người online những năm gần đây. Đầu tư vào Grab và các hãng khác là một trong những cách dễ nhất để tận dụng sự bùng nổ này.

Từ khoá: Grab, IPO, Sea, Gojek, Tokopedia, GoTo,
Tin mới lên