Tài chính

Sắc đỏ ngập tràn, VN-Index mất hơn 30 điểm

(VNF) - Diễn biến VN-Index trồi sụt như "tàu lượn" và bất ngờ tuột dốc vào cuối phiên sáng 26/1. Chốt phiên, VN-Index giảm mạnh gần 30 điểm. Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE đạt trên 15.000 tỷ và tiếp tục có hiện tượng nghẽn lệnh.

Sắc đỏ ngập tràn, VN-Index mất hơn 30 điểm

Ảnh minh họa

Sự phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam sau phiên giảm kỷ lục hôm 19/1 là chưa rõ ràng, bởi từ đó đến nay, chỉ số VN-Index trồi sụt thất thường.

Ngay trong phiên sáng 26/1, diễn biến VN-Index cũng trồi sụt như "tàu lượn" và bất ngờ tuột dốc vào cuối phiên. Sang phiên chiều, chỉ số chỉ hồi phục nhẹ. Chốt phiên, chỉ số sàn HoSE mất tới 29,93 điểm, tương đương giảm 2,57%, về mức 1.136,12 điểm.

Sắc đỏ lan tỏa toàn thị trường. Nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm sâu. Đáng chú ý nhất là BID, CTG, VPB, EIB, STB với mức giảm rất mạnh, lần lượt 4,6%, 6,25%, 5,71%, 6% và 6,46%.

Còn lại hầu hết là sắc đỏ. Duy chỉ có MBB bất ngờ tăng 1,59%.

Nhóm chứng khoán cũng lao dốc không phanh theo đà giảm của thị trường. SSI, HCM, VCI, VND giảm lần lượt 5,04%, 5,1%, 6,14% và 6,45%.

Bộ ba Vingroup cũng không khá khẩm hơn khi VIC giảm 3,15%, VHM giảm 1,51% còn VRE mất 2,12% giá trị. KBC không còn giữ được phong độ khi giảm tới 6,48% sau 3 phiên tăng trần liên tiếp.

Đặc biệt nhất là NVL khi vẫn giữ sắc xanh với mức tăng 1,25%. DXG cũng đi ngược thị trường khi tăng 2,8%.

Nhóm hàng tiêu dùng không duy trì được diễn biến khả quan. VNM, MSN, SAB, HPG giảm lần lượt 1,39%, 1,55%, 2,06% và 3,2%. Bi đát nhất là GVR khi giảm kịch sàn.

Trong khi đó, hai "ông lớn" ngành năng lượng là GAS và POW cũng lao dốc lần lượt 1,65% và 4,59%. Ở mảng hàng không, VJC và HVN "bốc hơi" 1,95% và 3,44% giá trị.

Ở mảng bán lẻ, PNJ giảm 2,3% nhưng riêng "ông trùm" MWG lại đứng giá tham chiếu.

Thanh khoản khớp lệnh toàn sàn HoSE chỉ trong phiên sáng 26/1 đã lên tới 11.600 tỷ đồng, tuy nhiên nhanh chóng có dấu hiệu nghẽn trong phiên chiều dù giá trị khớp lệnh mới chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng. Trước đó, trong phiên 19/1, hệ thống HoSE từng "chịu tải" được khối lượng khớp lệnh lên đến gần 18.000 tỷ đồng.

Tin mới lên