Ngân hàng

Sacombank có xử lý được 11.000 tỷ đồng nợ xấu năm nay?

Tổng giám đốc Sacombank bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, 9 tháng đầu năm, Ngân hàng đã xử lý khoảng gần 11.000 tỷ đồng nợ xấu, hoàn thành 90% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Hoàn thành 90% kế hoạch năm

Kế hoạch lợi nhuận trình ĐHCĐ thông qua năm 2020, Sacombank dự kiến lãi trước thuế hợp nhất đạt 2.573 tỷ đồng, giảm 20% so với kết quả năm 2019. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2020 dự kiến đạt 498.400 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.

Sacombank xây dựng mục tiêu tổng nguồn vốn huy động đạt 457.200 tỷ đồng, trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 452.400 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019. Mục tiêu dư nợ tín dụng đạt 329.400 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019.

Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.Theo Sacombank, với vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2020 dự kiến là 28.395 tỷ đồng, Ngân hàng sẽ chi 785 tỷ đồng để đầu tư tài sản cố định và sử dụng 18.154 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh sinh lời.

Ngoài ra, Ngân hàng dự kiến bổ sung vốn có giá trị 214 tỷ đồng cho ngân hàng con tại Lào trong năm 2020. Thế nhưng, đến hết tháng 9/2020, tăng trưởng tín dụng của Sacombank đã đạt mức tăng trưởng khoảng 9% (Sacombank đã được NHNN chấp thuận cho tăng trưởng tín dụng lên mức 13,5%); lợi nhuận đạt 90% kế hoạch cả năm và nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Cũng theo đánh giá của Tổng giám đốc Sacombank, những tháng cuối năm cầu tín dụng sẽ cải thiện trong mùa kinh doanh cao điểm. Hiện tăng trưởng dư nợ tại ngân hàng cũng đang chiều hướng tăng dần, nhất là trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, Sacombank có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay ra.

Ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên, theo bà Diễm, lãi vay tại Sacombank hiện đã giảm nhiều so với trước, tùy từng phân khúc khách hàng khác nhau. Trong thời gian qua, Sacombank cũng đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Đến 30/6/2020, Sacombank cho biết, đã cơ cấu nợ cho trên 1.000 khách hàng với dư nợ trên 7.300 tỷ đồng. Miễn giảm lãi cho gần 700 khách hàng với dư nợ trên 5.100 tỷ đồng. Ước tính lợi nhuận cả năm sẽ giảm khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Có hoàn tất được mục tiêu xử lý 11.000 ty đồng nợ xấu?

Mục tiêu về xử lý thu hồi 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay, theo bà Diễm, ngân hàng có khả năng để hoàn tất vì tính đến nay, Sacombank đã xử lý được gần 11.000 tỷ đồng nợ xấu.

Tổng dự phòng rủi ro, Sacombank đã trích lập lũy kế từ đầu năm đến nay trên 6.000 tỷ đồng.

Quả thực, trong 2 quý gần đây, Sacombank đã liên tục phát mãi tài sản thu hồi nợ xấu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tài sản đảm bảo bằng bất động sản giá trị lớn mà nhà băng này chưa bán được để thu hồi nợ xấu, do vướng thủ tục pháp lý.

Một trong những tài sản đảm bảo bằng bất động sản giá trị lớn mà Sacombank chưa thể phát mãi là Khu công nghiệp Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. HCM.

Trong 2 năm qua, tài sản này 4 lần mang ra đấu giá nhưng đều bán không thành công dù liên tục giảm giá từ 9.000 tỷ đồng về 6.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo bà Diễm, việc đẩy mạnh xử lý thu hồi nợ xấu đã tác động tích cực lên lợi nhuận.

Dự kiến lợi nhuận đạt được của Sacombank trong năm nay sẽ vượt 20% chỉ tiêu đề ra, tức bằng với con số đạt được của năm 2019 (3.200 tỷ đồng).

Trong tuần qua, cổ phiếu STB của Sacombank đã tăng liên tiếp trong nhiều phiên, lên mức cao nhất khi đạt 13.300 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, có thông tin 2 ngân hàng (Kienlongbank, Eximbank) đang cố gắng xử lý khoản nợ của khách hàng vay thế chấp bằng cổ phiếu STB. Trên thị trường xuất hiện thông tin Tập đoàn Thaco mua lô hơn 176,4 triệu cổ phiếu STB với giá 18.000 đồng/cổ phiếu từ Kienlongbank.

Tuy nhiên, lãnh đạo Kienlongbank đã phủ nhận mức giá này và khẳng định sẽ không chốt giá bán thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu, dù đang cần thu hồi nợ xấu trong năm 2020.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng xác nhận, việc xử lý khoản nợ trên nằm trong đề án tái cơ cấu Sacombank và sẽ hoàn tất năm nay.

Tại ĐHCĐ thường niên 2020 diễn ra ngày 5/6 vừa qua, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank hy vọng hết năm sau ngân hàng thoát tái cơ cấu để được chia cổ tức.

Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, hiện nguồn lợi nhuận giữ lại của Sacombank đã hơn 4.500 tỷ đồng và ngân hàng đã xin Ngân hàng Nhà nước để được chia cổ tức cho cổ đông.Tuy nhiên, đến nay Sacombank vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Do Sacombank đang trải qua giai đoạn tái cơ cấu nên mọi nguồn lực phải tập trung cho việc tái cấu trúc. Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đang tái cơ cấu không được chia cổ tức.

Tin mới lên