Ngân hàng

Sacombank: Khi nhà đầu tư lạc giữa dòng thông tin

(VNF) – Thông tin "có nhà đầu tư trong nước muốn mua 20% cổ phần của Sacombank" đang khiến nhiều nhà đầu tư sôi sục, nhưng cũng gây nhiều đắn đo.

Sacombank: Khi nhà đầu tư lạc giữa dòng thông tin

Nhiều sôi sục và cả đắn đo của giới đầu tư trước thông tin "có nhà đầu tư trong nước muốn mua 20% cổ phần của Sacombank"

Ngày 4/1/2017, cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được phen "thót tim" khi ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – một cơ quan cấp tổng cục của Ngân hàng Nhà nước, tiết lộ rằng Sacombank là 1 trong 5 tổ chức tín dụng yếu kém.

Sau phát biểu của vị Phó Chánh Thanh tra, cổ phiếu STB của Sacombank ngay lập tức "nằm sàn". Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/1, thị giá cổ phiếu STB đã giảm từ mức 8.790 đồng/cổ phiếu xuống còn 8.200 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 6,71%.

Những tưởng tương lai u ám đang đợi chờ cổ đông của Sacombank thì ngay trong chiều ngày 4/1, khi thị trường chứng khoán đã đóng cửa, Chủ tịch HĐQT Sacombank Kiều Hữu Dũng đã đăng đàn lên tiếng.

Ngoài chuyện khẳng định Sacombank không phải ngân hàng yếu kém, vẫn trong nhóm 5 NHTM cổ phần lớn nhất, ông Kiều Hữu Dũng còn đưa ra một thông tin rất đáng chú ý: đang có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư 1 tỷ USD vào Sacombank và có 1 nhà đầu tư trong nước khác muốn mua 20% vốn của ngân hàng với giá 15.000 đồng/cổ phiếu.

Sacombank

Ông Kiều Hữu Dũng cho biết, có 1 nhà đầu tư trong nước muốn mua 20% vốn của Sacombank

Ngay sau thông tin trên, cổ phiếu STB đã tăng điểm 6 phiên liên tiếp, đưa thị giá từ 8.200 đồng/cổ phiếu lên 9.040 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 10,2%, mở ra một trong những thời kỳ tăng điểm ngắn ấn tượng nhất của cổ phiếu STB trong nhiều năm trở lại đây.

Chốt phiên giao dịch ngày 20/2, cổ phiếu STB đạt đỉnh 11.050 đồng/cổ phiếu. Nếu so với con số 8.200 đồng/cổ phiếu tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 4/1, thị giá cổ phiếu STB đã tăng tới 34,7% chỉ sau 28 phiên giao dịch.

34,7% cho 28 phiên giao dịch, đây quả là con số rất ấn tượng. Rõ ràng, không ít nhà đầu tư đã "hốt bạc" khi "đu" theo thông tin mà vị Chủ tịch Sacombank tiết lộ, mặc dù thông tin này vẫn còn có những khúc mắc, nhất là chuyện có hay không "nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư 1 tỷ USD vào Sacombank", bởi với 1 tỷ USD, "nhà đầu tư" ấy thậm chí có thể mua đứt 100% cổ phần Sacombank nếu tính theo thị giá hiện tại.

Thời gian gần đây, một số nguồn tin chưa chính thức lên tiếng xác nhận một cách gián tiếp về chuyện "có nhà đầu tư trong nước muốn mua 20% cổ phần của Sacombank". Lại một lần nữa, nhà đầu tư đứng trước thông tin quan trọng, nhưng để tiếp tục "đánh đu" theo thông tin, có lẽ nhà đầu tư nên có sự thận trọng nhất định.

Sacombank

Chỉ sau 28 phiên giao dịch kể từ khi xuất hiện thông tin "có nhà đầu tư trong nước muốn mua 20% cổ phần của Sacombank", cổ phiếu STB của ngân hàng này đã tăng tới 34,7%

Lần về quá khứ, Sacombank cũng từng có thời rộ lên thông tin "bán cổ phần cho đối tác", thậm chí có những chỉ báo cực kỳ đáng tin cậy, nhưng rốt cục thực tế lại không xảy ra.

Tháng 12/2011, giới tài chính rộ tin Sacombank có thể bán 15% cổ phần cho đối tác ngoại Credit Suisse. Đây không phải tin đồn vô căn cứ mà đưa tin theo nguồn của Bloomberg và BBC. Tuy nhiên, vài ngày sau, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank thời ấy đã lên tiếng phủ nhận thông tin này.

Thế nhưng đến tháng 5/2012, HĐQT Sacombank lại trình đại hội đồng cổ đông thường niên 2012 chấp thuận chủ trương về Kế hoạch chuyển nhượng tối đa 15% vốn điều lệ cho đối tác chiến lược nước ngoài trong giai đoạn 2012 – 2015 và đã được đại hội thống nhất chấp thuận.

Tháng 4/2013, HĐQT Sacombank tiếp có tờ trình đến đại hội đồng cổ đông 2013 về việc tái xác nhận chủ trương chuyển nhượng vốn điều lệ cho đối tác nước ngoài trong giai đoạn 2012 – 2015, trong đó nâng tỷ lệ cổ phần chuyển nhượng tối đa lên 20% từ mức 15% trước đó. Tờ trình này cũng đã được đại hội chấp thuận.

Đến nay, ai cũng rõ là không có vụ mua bán cổ phần cho đối tác nước ngoài nào diễn ra cả, dù đã có những căn cứ đáng tin cậy nhất định bằng văn bản.

Thông tin tất nhiên không tự nhiên sinh ra, "không có lửa làm sao có khói". Nhưng thông tin đáng tin cậy hay không đáng tin cậy, có ý đồ hay không có ý đồ thì ngoại trừ nhóm người tung tin, các nhà đầu tư khó lòng biết được.

Thời điểm tin Sacombank có thể bán 15% cổ phần cho Credit Suisse rộ lên, sau đó là tin HĐQT Sacombank trình chủ trương chuyển nhượng tối đa 15% vốn điều lệ cho đối tác chiến lược nước ngoài, một loạt cổ đông đã thoái sạch vốn khỏi Sacombank.

Tháng 1/2012, hai cổ đông lớn của Sacombank là ANZ và REE đã thoái toàn bộ vốn khỏi Sacombank. Đến tháng 3/2012, Temasek Holdings tiếp tục nối gót khi hoàn thành bán 21,9 triệu cổ phiếu STB theo phương thức thỏa thuận. Tháng 5/2012, Sacomreal đã hoàn tất thoái vốn tại Sacombank khi bán ra thành công hơn 17,3 triệu cổ phiếu STB. Cùng thời gian, ông Chang Hen Jui, chồng bà Huỳnh Quế Hà - Phó Chủ tịch thứ nhất HĐQT Sacombank thời ấy, đã bán sạch 2 triệu cổ phiếu.

Lần này, thông tin "có nhà đầu tư trong nước muốn mua 20% cổ phần của Sacombank" xuất hiện trong bối cảnh tình hình tại Sacombank còn nhiều phức tạp, khi ngân hàng này chưa kiện toàn bộ máy quản trị mới, các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015, 2016 chưa được công bố, đề án tái cơ cấu Sacombank vẫn chưa có tin chính thức được phê duyệt, lượng nợ xấu sau sáp nhập Southern Bank là rất lớn.

Thuận theo hay ngược dòng thông tin sẽ là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư ưa mạo hiểm, bởi cổ phiếu STB đang tiềm ẩn cơ hội đột phá lớn. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư khác sẽ thận trọng đứng ngoài, hay ít nhất là chờ đến sau đại hội đồng cổ đông diễn ra ngày 28/4 sắp tới.

Tin mới lên