Bất động sản

Sai phạm nghiêm trọng, thất thoát lớn tại một loạt dự án ở Hòa Bình

(VNF) – Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra công tác quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng tại tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2004-2014, trong đó nêu ra một loạt dự án vi phạm về quản lý sử dụng đất.

Sai phạm nghiêm trọng, thất thoát lớn tại một loạt dự án ở Hòa Bình

Dự án sân golf Phượng Hoàng tại Hòa Bình dính nhiều sai phạm nghiêm trọng

Cụ thể, kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã nêu ra sai phạm tại 7 dự án lớn của tỉnh Hòa Bình. Các dự án này đều vi phạm pháp luật đất đai - xây dựng, gây lãng phí, thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.

Gọi tên ông lớn Sông Đà

Đứng đầu trong danh sách các dự án vi phạm Luật đất đai ở Hòa Bình là "Dự án Khu dân cư bắc đường Trần Hưng Đạo" của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (HoSE: SJS).

Tại dự án này, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra 2 vụ chuyển nhượng vi phạm pháp luật do SJS thực hiện. Một là chuyển nhượng lô đất 7.000m2 đã đầu tư hạ tầng kĩ thuật với số tiền hơn 20 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long trước khi có ý kiến chấp thuận điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh nghĩa vụ tài chính phải nộp (vi phạm Điều 15, khoản 3, Điều 88 và khoản 2, Điều 109, Điều 140 Luật Đất đai 2003).

Hai là vụ chuyển nhượng đất dịch vụ sai mục đích cho Viettel và Sao Vàng, hưởng chênh lệch so với số tiền sử dụng đất đã nộp là hơn 8 tỷ đồng (trong đó Viettel 3,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần xây dựng Sao Vàng 4,2 tỷ đồng). Hành vi này vi phạm khoản 1, Điều 11, Điều 15, khoản 3, Điều 38 Luật Đất đai 2003.

Sai phạm nghiêm trọng, thất thoát lớn tại một loạt dự án ở Hòa Bình ảnh 1

Dự án Khu dân cư bắc đường Trần Hưng Đạo của Sudico dính hàng loạt vi phạm 

Ngoài 2 vi phạm trên, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra các sai phạm khác tại "Dự án Khu dân cư bắc đường Trần Hưng Đạo". Cụ thể, Sở Xây dựng Hòa Bình cấp phép xây dựng trái thẩm quyền, không phù hợp quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án Viettel Hòa Bình; xây dựng trái mục đích, không phù hợp quy hoạch khi dựng trụ sở làm việc trên ô đất công trình dịch vụ, xây 2 sân tennis và nhà phụ trợ trên đất cây xanh.

Các hoạt động này vi phạm điểm a, khoản 1 Điều 36 Luật Xây dựng 2003; khoản 1, Điều 11, Điều 15; khoản 3, Điều 38 Luật Đất đai 2003.

Bên cạnh đó, kết luận thanh tra còn chỉ ra Sở Tài chính tính thiếu tiền sử dụng đất cho dự án với diện tích thiếu hụt là 11.000 m2. UBND tỉnh khi phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 tính thiếu hơn 5.400 m2 để thu tiền sử dụng đất, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, vi phạm điểm a, khoản 1, Điều 54, Luật Đất đai 2003.

Ngang nhiên cấp đất không có trong quy hoạch

Sai phạm nghiêm trọng này xảy ra đối với dự án sân golf Phượng Hoàng do Công ty TNHH sân golf Phượng Hoàng làm chủ đầu tư.

Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình thu hồi đất và giao cho Công ty TNHH sân golf Phượng Hoàng thuê để thực hiện dự án sân golf. Tuy nhiên diện tích đất này không nằm trong Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2001 – 2020 của tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt.

Không chỉ vậy, UBND tỉnh Hòa Bình và Công ty TNHH sân golf Phượng Hoàng còn tự thỏa thuận giá đất cho thuê để ký hợp đồng thuê đất, bất chấp các quy định của Luật Đất đai và Nghị định 142/2005 của Chính phủ.

Sai phạm nghiêm trọng, thất thoát lớn tại một loạt dự án ở Hòa Bình ảnh 2

Dự án sân golf Phượng Hoàng ngang nhiên xây dựng không phép

Việc ký hợp đồng thuê đất theo hình thức trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê đất được Thanh tra Chính phủ xác định là không đúng với Giấy chứng nhận đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp. Việc Công ty sân golf Phượng Hoàng trả tiền thuê đất chậm 1 năm mà UBND tỉnh không xác định lại đơn giá thuê đất được nhìn nhận vi phạm Nghị định 142 của Chính phủ, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, chủ đầu tư dự án sân golf và các cơ quan chức năng còn không lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 theo quy định; chủ đầu tư không xin giấy phép khi xây dựng công trình sân golf, nhà điều hành, khách sạn 3 tầng và các công trình phụ trợ khác.

Thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước

Tại các dự án: Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long, Khu dân cư cảng Chân Dê, Trung tâm thương mại và nhà ở tại thị trấn Lương Sơn, Sở Tài chính (hoặc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hòa Bình) đã dùng phương pháp thặng dư để tính tiền sử dụng đất.

Trong đó, một số khoản chi phí như: số tiền trả lãi vay, thuế VAT đưa vào xác định không đúng quy định tại Thông tư 145/2007 của Bộ Tài chính làm tổng chi phí đầu tư tăng dẫn đến tiền sử dụng đất phải nộp giảm hàng chục tỷ đồng.

Còn tại Dự án xây dựng Khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ San Nam Hòa Bình, UBND tỉnh và chủ đầu tư chỉ ký hợp đồng thuê đất đối với diện tích gần 8ha, còn hơn 398 ha còn lại, tỉnh "làm ngơ" cho doanh nghiệp quản lý sử dụng mà không nộp tiền thuê đất. Điều này khiến ngân sách nhà nước thất thu và gây lãng phí tài nguyên – nhất là khi nhiều năm qua, dự án này vẫn "án binh bất động".

Tin mới lên