Tài chính

'Sale and leaseback' sẽ đem về trên 2.000 tỷ lợi nhuận cho Vietjet trong nửa cuối năm 2018?

(VNF) - Với 13 thương vụ bán và thuê lại máy bay (sale and leaseback) được thực hiện trong nửa cuối năm 2018, Vietjet dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận 7 triệu USD/máy bay, tức tổng lợi nhuận khoảng 90 triệu USD, tương đương trên 2.000 tỷ đồng. Nửa đầu năm, mặc dù hoạt động cốt lõi là bán vé máy bay bứt phá rõ rệt nhưng lợi nhuận Vietjet chỉ tăng 16%, do số lượng máy bay bán và thuê lại giảm.

'Sale and leaseback' sẽ đem về trên 2.000 tỷ lợi nhuận cho Vietjet trong nửa cuối năm 2018?

Lợi nhuận Vietjet nửa cuối năm 2018 sẽ bật mạnh nhờ hoạt động sale and leaseback?

Theo báo cáo đánh giá mới đây về Công ty Hàng không Vietjet, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay, Vietjet sẽ thực hiện tất cả 13 thương vụ bán và thuê lại máy bay (sale and leaseback) trong nửa cuối năm 2018.

"Trao đổi với công ty, chúng tôi được biết Vietjet nhiều khả năng sẽ hoàn tất giao dịch bán và thuê lại đối với toàn bộ 17 chiếc máy bay dự kiến sẽ được bàn giao trong năm 2018 so với kế hoạch trước đây là mua 3 máy bay và hoàn tất 14 giao dịch bán và thuê lại. Nguyên nhân là thị trường cho thuê máy bay tiếp tục thuận lợi đối với các hãng hàng không, giúp lợi nhuận từ các giao dịch bán và thuê lại dự báo sẽ tiếp tục ở mức 7 triệu USD/máy bay, mức cao nhất từ trước đến nay", VCSC cho biết.

Như vậy, với 13 thương vụ còn lại được thực hiện trong nửa cuối năm, Vietjet dự kiến sẽ ghi nhận khoảng 90 triệu USD lợi nhuận, tương đương trên 2.000 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế cốt lõi (không tính thu nhập mảng bán và thuê lại máy bay) của Vietjet tăng trưởng lần lượt 53,4% và 37,0% so với cùng kỳ 2017.

"Kết quả trên có được là nhờ các tuyến quốc tế tiếp tục tăng trưởng tốt, một phần Vietjet chuyển phần giá nhiên liệu gia tăng sang hành khách và doanh thu phụ trợ đạt mức cao kỷ lục", VCSC đánh giá.

Doanh thu từ vé máy bay trong 6 tháng đầu năm 2018 của Vietjet tăng 53,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ lượng hành khách tăng 35,1%. Trong đó, số hành khách quốc tế tăng gần gấp đôi chủ yếu nhờ Vietjet tăng số chuyến bay của các tuyến quốc tế hiện đang hoạt động.

Ngoài ra, nhờ các tuyến bay quốc tế hoạt động mạnh, doanh thu khác đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 16USD/hành khách, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ vậy, doanh thu khác tăng mạnh 49,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biên lợi nhuận mảng kinh doanh cốt lõi bị giảm do ảnh hưởng của giá dầu tăng cao và đóng góp lợi nhuận nhiều hơn từ mảng kinh doanh cốt lõi, vốn bị đánh thuế cao hơn.

Biên lợi nhuận gộp từ hoạt động cốt lõi của VJC trong 6 tháng đầu năm 2018 giảm xuống 14,8% từ 15,9% cùng kỳ năm ngoái do chi phí nhiên liệu (thường chiếm khoảng 40% tổng chi phí) tăng hơn 39,2%. Ngoài ra, tổng lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 16% dù tổng thu nhập từ hoạt động tăng 28,3% do hoạt động cốt lõi (vốn chịu mức thuế cao hơn) chiếm tỷ trọng lớn hơn.

Tổng doanh thu và lợi nhuận của Vietjet tăng trưởng 29,3% và 16,1% so với cùng kỳ, thấp hơn tăng trưởng cốt lõi do ảnh hưởng từ số lượng máy bay bán và thuê lại giảm đi trong nửa đầu năm 2018.

Tin mới lên