Tài chính quốc tế

Samsung Bắc Ninh lỗ kỷ lục, nhà máy Thái Nguyên lãi nhất toàn hệ thống

(VNF) - Samsung Bắc Ninh chịu khoản lỗ kỷ lục 3.000 tỷ đồng trong quý III năm 2016 sau những thiệt hại từ sự cố nổ pin Galaxy Note 7. Trong khi đó, Samsung Thái Nguyên ghi nhận lợi nhuận cao nhất hệ thống Samsung trên toàn cầu.

Samsung Bắc Ninh lỗ kỷ lục, nhà máy Thái Nguyên lãi nhất toàn hệ thống

Samsung Bắc Ninh chịu khoản lỗ kỷ lục 3.000 tỷ đồng trong quý III năm 2016 sau những thiệt hại từ sự cố nổ pin Galaxy Note 7

Theo báo cáo tài chính quý III/2016 của Samsung Electronics, Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh  - chuyên về sản xuất, lắp ráp điện thoại - ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 147 tỷ won, tương đương 3.000 tỷ đồng trong năm 2016. Doanh thu của công ty này trong quý III cũng bị sụt giảm đến 30% so với cùng kỳ năm 2015, tương ứng với 32.000 tỷ đồng.

Ngoài Samsung Bắc Ninh, 2 công ty khác của Samsung cũng ghi nhận khoản lỗ lớn trong quý III/2016 bao gồm Samsung Electronics Huizhou - công ty sản xuất điện thoại Samsung tại Trung Quốc (lỗ 364 tỷ won) và Samsung Electronics America tại Mỹ (lỗ 136 tỷ won).

Kết quả kinh doanh quý III/2016 và lũy kế 9 tháng đầu năm 2016 của Samsung Bắc Ninh (SEV) và Samsung Thái Nguyên (SEVT). Nguồn: BCTC của Samsung Electronics 

Kết quả kinh doanh quý III/2015 và lũy kế 9 tháng đầu năm 2015 của Samsung Bắc Ninh (SEV) và Samsung Thái Nguyên (SEVT). Nguồn: BCTC của Samsung Electronics

Tuy nhiên, lũy kế của 9 tháng đầu năm 2016, Samsung Bắc Ninh vẫn lãi hơn 1.239 tỷ won, tương đương khoảng 25.000 tỷ đồng và là công ty lãi lớn thứ 2 của toàn hệ thống Samsung Electronics trên toàn cầu.

Đáng chú ý, trong khi Samsung Bắc Ninh ghi lỗ kỷ lục thì Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên (SEVT) - chuyên về sản xuất các linh kiện điện tử, viễn thông - là công ty ghi nhận lợi nhuận lớn nhất toàn hệ thống Samsung Electronics trên toàn cầu, với mức lợi nhuận ròng hơn 679 tỷ won trong quý III/2016 (tương đương khoảng 13.700 tỷ đồng).

Theo giải trình của Samsung, sự cố cháy nổ pin dẫn đến việc phải thu hồi và ngừng sản xuất toàn bộ dòng điện thoại thông minh Galaxy Note 7 là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm mạnh. Pin của Galaxy Note 7 được gia công, đóng gói tại nhà máy sản xuất pin Samsung Bắc Ninh.

Nhật báo Nikkei Asia ngày 21/11, đã có bài viết về tình hình hiện tại của nhà máy Samsung tại Bắc Ninh và những hệ quả sau sự cố Galaxy Note 7. Theo đó, chỉ mới hơn một tháng kể từ ngày Samsung ngưng sản xuất Galaxy Note 7 sau sự cố với pin, phần nhiều trong số hơn 110.000 công nhân tại đây hiện không có việc làm, số khác may mắn hơn chỉ bị giảm lương khoảng 50%.

Sự cố cháy nổ pin dẫn đến việc phải thu hồi và ngừng sản xuất toàn bộ dòng Galaxy Note 7 là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm mạnh.

Samsung đầu tư 7,5 tỷ USD cho nhà máy tại Bắc Ninh vào năm 2009, và một nhà máy tại Thái Nguyên. Trong số 420 triệu di động Samsung bán ra trên thế giới năm ngoái, 30% được cho là lắp ráp tại Việt Nam.

Samsung cũng đóng góp đáng kể cho xuất khẩu Việt Nam. Riêng mảng di động đã trị giá 17 tỷ USD xuất khẩu trong nửa đầu năm 2016, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Các thống kê cho thấy vấn đề với Note 7 chỉ làm giảm giá trị xuất khẩu khoảng 0,3% vào năm 2016. Tuy vậy, khi người dùng e ngại hơn với cái tên Samsung nói chung, cả việc sản xuất và kinh doanh của họ có lẽ sẽ gặp khó khăn thời gian tới.

Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến khoảng 160 nhà cung ứng trong nước, tính đến tháng 6. Ngoài ra, việc kéo dài tình trạng trì trệ cũng gây nguy cơ đến các nhà cung ứng khác từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Samsung dự định tiếp tục đầu tư khoản tiền 3 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất màn hình mới từ nay đến năm 2020. Tuy vậy, nhiều nhà bình luận đang tỏ ra quan ngại trước thông tin này.

Tin mới lên