Bất động sản

‘Sân bay Long Thành cần thêm 5 tỷ USD nếu không muốn trở thành ốc đảo’

(VNF) - Tại phiên hiến kế về Du lịch thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra hôm nay (2/5), Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết sân bay Long Thành cần thêm 5 tỷ USD nếu không muốn trở thành ốc đảo.

‘Sân bay Long Thành cần thêm 5 tỷ USD nếu không muốn trở thành ốc đảo’

“Sân bay Long Thành không chỉ cần 5 tỷ USD nữa mà cần thêm 5 tỷ USD cho các công trình xung quanh. Nếu không, sân bay này sẽ trở thành ốc đảo”

Ông Đinh Việt Thắng khẳng định hàng không đang có nhiều hạn chế: một là hạ tầng cơ sở, hai là làm sao đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững và an toàn.

Về chính sách cho tư nhân phát triển hàng không, ông Thắng cho biết thực tế trong thời gian qua đã đẩy mạnh, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia, đề nghị khuyến khích nhưng cũng phải có hành lang pháp lý đầy đủ. Quan điểm của nhà nước là phải phát triển bền vững, bao gồm cả những dự án phát triển cảng hàng không.

“Nếu cứ làm tự do, nền kinh tế nhà nước sẽ rơi vào khủng hoảng”, Cục trưởng Cục Hàng không nói.

Đại biểu tham dự phiên hiến kế về Du lịch thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.

Ngoài ra, ông Thắng cũng cho rằng phát triển hàng không phải có tư vấn nước ngoài với cái nhìn khách quan và dài hạn hơn.

Cơ chế quản lý đầu tư ở Việt Nam được ông Thắng đánh giá là rất phức tạp. Sân bay Long Thành từng được kỳ vọng mang tính tầm cỡ, trung tâm trung chuyển nhưng đến nay trọng tâm dường như đã bị sai, không có hạ tầng kết nối với nơi này.

“Sân bay Long Thành không chỉ cần 5 tỷ USD nữa mà cần thêm 5 tỷ USD cho các công trình xung quanh. Nếu không, sân bay này sẽ trở thành ốc đảo”, ông Thắng nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Hàng không cũng khẳng định sẽ quy hoạch lại sân bay Long Thành, công suất khoảng 80 triệu khách.

Bày tỏ về vấn đề này, ông Lương Hoài Nam, thành viên TAB nói: “Tôi lo lắng cho sân bay Long Thành, Quốc Hội thông qua 3 năm, thủ tục hành chính chậm trễ. Năm ngoái chúng tôi đã kiến nghị mời các nhà đầu tư tư nhân Việt Nam và nước ngoài tham gia để thúc đẩy dự án”.

Ngoài ra, ông Lương Hoài Nam cũng đề xuất giải quyết bài toán quá tải tại các sân bay Nội Bài, sân bay Đà Nẵng.

Ông Nam cho biết sân bay Nội Bài (Hà Nội), với dự tính công suất đạt 20 - 25 triệu khách từ năm 1990, tới năm 2018 công suất đã đạt 25 triệu lượt khách. Theo quy hoạch năm 1990, hàng không phát triển về phía nam song hiện các sân bay phía nam cũng đang phát triển.

Bên cạnh đó, nhà ga số 2 của sân bay Đà Nẵng vừa xây xong đã chạy hết công suất. Do đó, quy hoạch cho sân bay Đà Nẵng trong 10 năm nữa cũng cần được đề ra và tìm hướng kết nối với sân bay Chu Lai (Quảng Ngãi).

'Nhiều địa phương mong có sân bay quá tải'

Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet cho biết, tính đến tháng 3/2019, hàng không đang có 22 cảng trong đó có 9 cảng quốc tế. Từ năm 2014 - 2018, hàng không Việt Nam thuộc top phát triển nhanh nhất thế giới cùng Trung Quốc, Ấn Độ.

Theo ông Đinh Việt Phương, thành quả này nhờ chính sách mở cửa và sự tham gia của kinh tế tư nhân.

Trong giai đoạn 2014 đến nay, lượng khách tăng 103%, vượt qua con số 100 triệu lượt khách. Tăng 20,5% mỗi năm.

Ông Phương đánh giá năng lực hệ thống kết cấu hàng không hiện nay đang thiếu hụt về hạ tầng, cản trở đến kinh tế và du lịch. Nhiều sân bay đang quá tải khi vượt qua công suất thiết kế.

“Tuy nhiên đây cũng là tín hiệu mừng vì có thể nhiều địa phương đang mong muốn có sân bay quá tải. Sân bay Điện Biên không có tăng trưởng về số hành khách suốt nhiều năm qua”, Phó tổng giám đốc Vietjet nói.

Ông Phương cũng cho biết 99% các doanh nghiệp làm du lịch là tư nhân. Vai trò của tư nhân cần được thúc đẩy hơn trong các lĩnh vực hàng không khác, như cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do tư nhân đầu tư.

>>> Xem thêm: SME muốn tiếp cận vốn: Có thể không cần tài sản đảm bảo nhưng buộc phải minh bạch

Tin mới lên