Tiêu điểm

Sân bay Long Thành: Đền bù một lần để kịp tiến độ, tránh khiếu kiện!

(VNF) - Lãnh đạo Ủy ban kinh tế Quốc hội nói người dân "mong muốn thu hồi một lần để yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới vì hiện nay việc sử dụng đất của người dân bị hạn chế, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng kéo dài".

Sân bay Long Thành: Đền bù một lần để kịp tiến độ, tránh khiếu kiện!

Báo cáo thẩm tra về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tại Quốc hội đã khẳng định sẽ "làm một lần" nhằm đẩy nhanh tiến độ, hạn chế khiếu kiện kéo dài.

Cụ thể, về sự cần thiết tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần, ông Thanh cho hay trong quá trình lấy ý kiến, đa số ý kiến tán thành với việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để thực hiện trước bảo đảm tiến độ của dự án theo nghị quyết 94 của Quốc hội.

Vì đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường phát sinh khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thực hiện và mất nhiều thời gian, tăng chi phí nếu quá trình thực hiện kéo dài nên nếu chờ đủ các bước gồm Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư sau đó mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thì nhiều khả năng sẽ chậm tiến độ.

Báo cáo của Ủy ban kinh tế cho biết qua thảo luận, nhiều ý kiến băn khoăn về việc nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng như việc bố trí vốn để thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án (5.000 ha) theo Nghị quyết 94 của Quốc hội.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự kiến kinh phí để hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần khoảng 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 mới chỉ bố trí được 5.000 tỷ đồng, tương ứng 21,7% yêu cầu.

Ủy ban Kinh tế thấy rằng, việc thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án là để thực hiện đồng bộ, hạn chế việc tăng chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những lần thu hồi sau, tránh tình trạng lấn chiếm đất dự án, khiếu kiện liên quan đền bù đất đai.

"Qua khảo sát và tiếp xúc trực tiếp với người dân vùng Dự án của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XIII, ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng như ý kiến của đại diện lãnh đạo Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (là đơn vị sở hữu 2.000ha đất) cho thấy, người dân cũng mong muốn thu hồi một lần để yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới vì hiện nay việc sử dụng đất của người dân bị hạn chế, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng kéo dài trên 12 năm bởi quy hoạch của dự án này", ông Thanh cho biết.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho biết, trong bối cảnh ngân sách còn rất khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng rất quan trọng, phải thực hiện trước và cần nguồn kinh phí rất lớn, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện, trong đó, lưu ý tính khả thi của các nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, phương án khai thác, tạo nguồn thu từ quỹ đất chưa sử dụng của dự án; rà soát các nguồn lực cho đầu tư công, kể cả từ nguồn dự phòng đầu tư trung hạn 2016-2020.

Tin mới lên