Thị trường

'Sân chơi' lớn của đại gia bán lẻ FPT Retail

FPT Retail đang dồn lực cho chuỗi nhà thuốc. Giới chuyên gia nhận định, đây là “con bài” để FPT Retail tiếp tục duy trì tăng trưởng bằng cách gia nhập vào ngành mới.

'Sân chơi' lớn của đại gia bán lẻ FPT Retail

FPT Retail là đại gia trong ngành bán lẻ máy tính và điện thoại.

Ngành dược phẩm được nhận định vẫn là “sân chơi” lớn còn nhiều tiềm năng, trong khi chưa có bất kỳ doanh nghiệp lớn nào chiếm hẳn ưu thế trên thị trường bán lẻ dược phẩm. Có nhiều năm kinh nghiệm vận hành, quản trị trong ngành bán lẻ điện thoại, máy tính và nền tảng công nghệ mạnh mẽ từ Tập đoàn FPT, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail (mã chứng khoán: FRT) đang dồn lực cho chuỗi nhà thuốc. Giới chuyên gia nhận định, đây là “con bài” để FPT Retail tiếp tục duy trì tăng trưởng bằng cách gia nhập vào ngành mới.

Nhiều tiềm năng

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng - PHS, chuỗi nhà thuốc Long Châu được coi là động lực tăng trưởng dài hạn của FRT. Công ty này dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, dân số Việt Nam đang trải qua giai đoạn tốc độ già hóa nhanh nhất từ trước tới nay, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050.

Trong khi đó, theo khảo sát của Nielsen, sức khỏe luôn là một trong hai mối quan ngại hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam. Mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế có xu hướng tăng lên do thu nhập bình quân đầu người và trình độ dân trí được cải thiện, trong khi môi trường sống ngày càng có nguy cơ ô nhiễm cao làm gia tăng ngày càng nhiều loại bệnh tật.

Cụ thể, chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tăng từ 9.85 USD năm 2005 lên 22.25 USD năm 2010, tiếp tục tăng gần gấp đôi, đạt 37.97 USD vào năm 2015. Mức tăng trưởng trung bình đạt 14,6% trong giai đoạn 2010-2015 và sẽ duy trì ở mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025.

Chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam năm 2018 khoảng 68 USD, dự báo con số này sẽ tăng lên 163 USD trong năm 2025. Xu hướng tăng tiêu thụ thuốc vẫn duy trì liên tục trong những năm qua và chi phí dược phẩm bình quân đầu người vẫn cho thấy khả năng tăng trưởng nếu so với mức trung bình của các thị trường dược mới nổi.

Dược phẩm được đánh giá là một thị trường hết sức tiềm năng tại Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Kể từ năm 2018, bối cảnh ngành dược có sự thay đổi mạnh mẽ với sự tham gia của những doanh nghiệp lớn trên thị trường bán lẻ, phân phối.
Hiện nay, các doanh nghiệp dược đồng loạt tái cấu trúc mạnh mẽ, chuyển dịch từ kênh ETC (bán hàng qua đấu thầu, bán buôn) sang kênh OTC (bán hàng trực tiếp qua các nhà thuốc) đang trở thành xu hướng mới.

Nhất là từ sau năm 2013, quy định mới về chọn thuốc trúng thầu tại các bệnh viện lại ưu tiên thuốc giá thấp, việc phát triển kênh OTC nhằm củng cố vị thế, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp.

Từ năm 2018, kênh OTC đã chiếm 30% thị trường thuốc, tương đương khoảng 1,6 tỷ USD chia cho 57.000 cửa hàng bán thuốc. Đây vẫn là một sân chơi lớn còn nhiều tiềm năng trong khi chưa có bất kỳ “ông lớn” nào chiếm hẳn ưu thế trên thị trường bán lẻ dược phẩm, PHS nhận định.

Theo khảo sát về chiến lược của doanh nghiệp dược Việt Nam trong năm 2018 thì có 67% doanh nghiệp phản hồi sẽ phát triển, mở rộng kênh OTC.

Kênh nhà thuốc tại Việt Nam có vai trò quan trọng và sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Theo Bộ Y tế, năm 2018, Việt Nam đã có khoảng 61.867 cửa hàng lẻ thuốc trên toàn quốc.

Sự xuất hiện các chuỗi nhà thuốc như Pharmacity, VinFa, Medicare, Guradian đã mang đến cho hoạt động bán lẻ thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe một trải nghiệm mới khi sử dụng mô hình bán lẻ hiện đại với mạng lưới cửa hàng rộng, nhận diện cửa hàng được chuẩn hóa và bài trí gọn gàng.

“Con bài” tăng trưởng sau M&A

FPT Retail là một thành viên của Tập đoàn FPT Việt Nam, được thành lập vào ngày 8/3/2012 với hai thương hiệu chính là FPT Shop và F.Studio By FPT - Đại lý được ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam ở cấp độ cao cấp nhất.

Sau 6 năm hoạt động, FPT Retail đã phát triển hệ thống chuỗi cửa hàng rộng khắp trên toàn quốc ở 63 tỉnh thành với sản phẩm là máy tính xách tay và điện thoại, thuộc top 4 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Năm 2017, FPT Retail đã mua lại (M&A) chuỗi nhà thuốc Long Châu, một thương hiệu lâu đời và có tiếng trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm tại Tp. Hồ Chí Minh.

FPT Retail đã lựa chọn ngành bán lẻ dược phẩm là “con bài” để tiếp tục duy trì tăng trưởng bằng cách gia nhập vào ngành mới. Tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của thị trường dược phẩm Việt Nam và sự chuyển dịch cơ cấu phân phối của các doanh nghiệp dược sang kênh nhà thuốc, FRT có quyết định “khôn ngoan” khi mua lại và phát triển chuỗi nhà thuốc Long Châu hàng đầu tại trung tâm Tp. Hồ Chí Minh, PHS nêu quan điểm.

Theo ban lãnh đạo FRT, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã kinh doanh gần 20 năm, với quy mô mỗi cửa hàng lớn với đơn vị lưu kho gấp 7 lần nhà thuốc thông thường.

Sau M&A, FPT Retail có chiến lược tăng trưởng chuỗi nhà thuốc Long Châu một cách bài bản. Theo đó, FRT chú trọng mở các cửa hàng lớn tại các địa điểm chiến lược như góc giao lộ, nhiều mặt tiền, gần chợ, bệnh viện hay khu dân cư. Sau giai đoạn này, chuỗi mới tiếp tục mở thêm các cửa hàng vệ tinh với quy mô nhỏ hơn. FPT Retail cũng có thể hỗ trợ mặt bằng thông qua việc chuyển đổi một số cửa hàng FPT Shop thành Long Châu nếu cần thiết.

Doanh nghiệp này cũng đưa ra chiến lược cạnh tranh về giá. Long Châu không áp dụng chính sách giá thống nhất trên toàn hệ thống mà sẽ bán với giá rẻ hơn tại các tỉnh thành nơi người dân có thu nhập trung bình thấp. Đây là chiến lược phù hợp bởi đối thủ chính của Long Châu sẽ là các nhà thuốc tư nhân có giá bán rất cạnh tranh. Dù điều này sẽ làm giảm biên lợi nhuận trong thời gian đầu, hiệu quả sẽ tăng lên cùng với lợi thế quy mô.

Bên cạnh đó, FPT Retail chú trọng xây dựng đội ngũ bán hàng. Khả năng xây dựng một đội ngũ có đủ năng lực bán hàng trong một cửa hàng có khoảng 6.000 SKU (lượng đầu thuôc trong kho hàng) như Long Châu là một trong những nhân tố quan trọng trong tiến trình mở rộng quy mô của chuỗi nhà thuốc. Dược sĩ, nhân viên nhà thuốc luôn có vai trò nổi bật trong hoạt động bán lẻ bởi phần lớn người mua sẽ trông cậy vào sự tư vấn của đội ngũ này khi mua thuốc.

Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng – PHS cho biết, hiện nay, hệ thống bán lẻ Long Châu đang có doanh thu trung bình mỗi tháng cao vượt trội so với các chuỗi khác trên thị trường. Mỗi cửa hàng thuốc Long Châu đạt doanh thu 136.000 USD trong khi chuỗi Pharmacity là 11.000 USD, Phano là 18.000 USD, Eco là 25.000 USD và An Khang là 32.000 USD. Nguyên nhân chính giúp Long Châu đạt được con số ấn tượng này là nhờ chuỗi bán lẻ sỡ hữu SKU (lượng đầu thuốc trong kho hàng) nhiều gấp 6 - 7 lần so với các nhà thuốc khác.

Mặt hàng đóng góp doanh thu chính của Long Châu là thuốc, chiếm khoảng 58%, thực phẩm chức năng chiếm khoảng 30% doanh thu. Tuy chiếm tỷ trọng cao trong doanh thu, thuốc chỉ đóng góp 35% lợi nhuận, trong khi đó thực phẩm chức năng chiếm đến 49% lợi nhuận cho nhà thuốc Long Châu.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp vẫn cam kết tiếp tục mở rộng chuỗi dược phẩm và số lượng cửa hàng nhiều khả năng sẽ đạt hơn 200 cửa hàng vào cuối năm 2020 và 500 cửa hàng trong năm 2021. Ngoài ra, tận dụng ưu thế công nghệ của Tập đoàn FPT, FPT Retail sẽ có thêm nhiều cải tiến mới về dịch vụ, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Mục tiêu doanh thu Long Châu đạt 3.000 tỷ đồng trong năm 2021 và 4.500 trong năm 2022.

Lãnh đạo FPT Retail cho biết, khoản đầu tư vào Long Châu đang ở giai đoạn đầu, do đó chưa thể hòa vốn. Mức đầu tư ban đầu cho nhà thuốc phụ thuộc vào quy mô nhưng dao động khoảng 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng và kỳ vọng đến năm 2022 có thể hòa vốn EBITDA (Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) cho chuỗi này.

FPT Retail cũng nỗ lực đáp ứng các nhu cầu tiên quyết của người tiêu dùng. Theo tìm hiểu từ khách hàng và các chủ nhà thuốc, có 3 yếu tố chính người tiêu đùng mong muốn đó là mua được thuốc cần mua; chất lượng thuốc tương đương nhưng mua được với giá rẻ hơn và nhận được tư vấn tốt từ người bán.

Doanh nghiệp cũng xử lý bài toán hàng tồn kho. Việc lựa chọn mô hình cửa hàng với số lượng sản phẩm lưu kho (SKU) lớn cũng đồng nghĩa Long Châu đối mặt với bài toán hàng tồn kho. Điều này không đơn giản, bởi thuốc không được phép bán quá hạn và không dễ để marketing thúc đẩy doanh số như các mặt hàng khác. Giải pháp của FPT Retail là xây dựng hệ thống dữ liệu để nhận biết được xu hướng nhu cầu, giúp quản lý và cơ cấu SKU hiệu quả. Đây là hướng xử lý khá hiệu quả và giúp phần nào giải quyết vấn đề.

Về kết quả kinh doanh, năm 2020 do sự bùng phát của đại dịch, cũng như chủ trưởng đầu tư mạnh cho chuỗi dược Long Châu khiến chỉ số kinh doanh FRT giảm sút. Luỹ kế cả năm 2020, doanh thu của công ty đạt 14.666 tỷ đồng, giảm 12% và chỉ đạt vỏn vẹn 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm đến 95% so với năm 2019.

Dù vậy, nhờ những kỳ vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai nên cổ phiếu FRT chốt phiên cuối năm 2020 (31/12) ở mức 32.000 đồng, tăng tới hơn 52% so với phiên đầu năm 2020. Tuy nhiên, sang năm 2021, FRT điều chỉnh giảm xuống còn 27.000 đồng (chốt phiên 5/2/2021).

Tin mới lên