Thị trường

Sàn đấu thực phẩm, đồ uống: Sắp thêm nhiều 'cầu thủ' ngoại

(VNF) - Tiếp sau một loạt các tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống đang phát triển thành công tại Việt Nam như KFC, Lotteria, Jollibee, Subway, Coffee Bean & Tea Leaf… nhiều gương mặt mới tiếp tục tìm cơ hội nhượng quyền với tham vọng phát triển tên tuổi tại thị trường tiềm năng này.

Sàn đấu thực phẩm, đồ uống: Sắp thêm nhiều 'cầu thủ' ngoại

Theo số liệu mới nhất, tính đến tháng 7/2016 của Bộ Công Thương, Việt Nam đã có 148 thương hiệu quốc tế nhượng quyền thành công tại Việt Nam. Trong đó ngành thực phẩm và đồ uống vẫn chiếm ưu thế với một loạt các thương hiệu nổi tiếng đang hoạt động thành công tại Việt Nam như KFC, Lotteria, Jollibee, Pizza Hut, Burger King, Starbucks, McDonald’s, Domino’s Pizza, Popeye’s Chicken, Texas Chicken hay Coffee Bean & Tea Leaf...

Ngày 27/4, nhiều gương mặt hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống đã có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác thông qua sự kiện nhượng quyền lớn nhất trong năm "Hội thảo Nhượng Quyền Quốc tế" được tổ chức bởi VF Franchise Consulting, công ty tư vấn nhượng quyền của Mỹ có văn phòng châu Á tại Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Các nhà đầu tư ngoại cho rằng, vớii hơn 95 triệu dân, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh trên thế giới, các nhà nhượng quyền đã nhận thấy những cơ hội đáng kể trong chi tiêu của người tiêu dùng ở Việt Nam đặc biệt trong ngành thực phẩm và đồ uống. Không chỉ các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư trong nước cũng cần nhanh chóng nắm bắt xu hướng này để tìm kiếm, mở rộng quy mô đầu tư kinh doanh.

Tại Hội thảo, đại diện các thương hiệu thực phẩm, đồ uống ngoại như Little Caesars Pizza, Grimaldi’s New York Pizzeria, The Boiling Crab (Mỹ), Presotea (Đài Loan), Element Fresh (Thượng Hải) đã giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ và cách thức chuyển nhượng.

Element Fresh dự kiến mở 80 cửa hàng trên toàn Trung Quốc vào năm 2020.

Được thành lập vào năm 2002, Element Fresh đã có gần 40 nhà hàng phục vụ bữa ăn hằng ngày ở Trung Quốc, chủ yếu là ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Công ty dự kiến mở 80 cửa hàng trên toàn Trung Quốc vào năm 2020 trong khi chuyển sang nhượng quyền vào các nước trọng điểm trên toàn châu Á.

 Little Caesars là chuỗi pizza lớn thứ 3 ở Mỹ với hơn 5.000 nhà hàng trên 18 quốc gia.

Trong khi đó, Little Caesars là chuỗi pizza lớn thứ 3 ở Mỹ với hơn 5.000 nhà hàng trên 18 quốc gia. Đây là chuỗi nhà hàng pizza theo hình thức mang đi (take away) lớn nhất thế giới và được công nhận là thương hiệu truyền thống hơn 50 năm. Little Caesars nhượng quyền lần đầu tiên vào năm 1962 và tới nay đã có 65% nhà nhượng quyền quốc tế hợp tác trên 10 năm với thương hiệu này.

Grimaldi’s New York Pizzeria muốn tìm đối tác nhượng quyền có vốn tối tiểu 5 triệu USD.

Kỳ vọng sẽ tìm thấy nhà đầu tư có tinh thần kinh doanh tốt, có kinh nghiệm ở Việt Nam và có số vốn đầu tư tối thiểu 5 triệu USD, Grimaldi’s New York Pizzeria là thương hiệu pizza 120 tuổi - trụ sở đặt tại Scottsdale, Arizona (Mỹ).

Boiling Crab muốn tìm đối tác nhượng quyền dành ra ít nhất 3 triệu USD vốn cho dự án này.

The Boiling Crab là nhà hàng nổi tiếng phục vụ hải sản theo phong cách truyền thống và cách thức ăn độc lạ khi thực khách chỉ sử dụng bằng tay không. Đại diện Boiling Crab cho biết, doanh thu trung bình năm của chuỗi nhà hàng này đạt 6 triệu USD mỗi năm. 

Yêu cầu đưa ra với đối tác nhượng quyền của Boiling Crab là phải có kinh nghiệm vận hành nhà hàng 5 sao; có kinh nghiệm, kiến thức về thị trường thực phẩm và đồ uống cũng như nguồn cung ứng; dành ra ít nhất 3 triệu USD vốn cho dự án này,...

 Presotea muốn tìm đối tác nhượng quyền có vốn đầu tư tối thiểu 1 triệu USD.

Ra đời ở Đài Loan vào năm 2006 và nhượng quyền quốc tế lần đầu tiên vào năm 2011, Presotea hiện đang có hơn 360 cửa hàng ở Đài Loan, Indonesia, Úc, Canada và Trung Quốc. Presotea giới thiệu máy pha trà đầu tiên trên thế giới theo công nghệ pha cà phê expresso. Presotea muốn tìm đối tác nhượng quyền có vốn đầu tư tối thiểu 1 triệu USD.

Ông Sean T. Ngo, CEO của VF Franchise Consulting chia sẻ: "Chỉ cần chỉ từ 1- 5 triệu USD là bạn có thể sở hữu một trong các thương hiệu ngoại này, tuy nhiên điều chúng tôi cần không phải là phương án tài chính mà những người có kinh nghiệm, chuyên môn sâu về ngành đồ uống và ẩm thực". 

VF Franchising Consulting dự báo, thị trường nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức 25% cùng với sự gia nhập của các thương hiệu quốc tế lớn mạnh và các thương hiệu đến từ khu vực ASEAN.

Tin mới lên