Công nghệ

'Sẵn sàng để Qualcomm đặt cơ sở nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm vi mạch tại Việt Nam'

(VNF) - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh sẵn sàng tạo điều kiện để Qualcomm đặt các cơ sở nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm vi mạch tại Việt Nam.

'Sẵn sàng để Qualcomm đặt cơ sở nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm vi mạch tại Việt Nam'

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long tiếp lãnh đạo Tập đoàn Qualcomm.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long vừa có buổi tiếp lãnh đạo Tập đoàn Qualcomm về việc phát triển công nghiệp công nghệ số.

Tại buổi tiếp, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đang hoàn thiện chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ "Make in Viet Nam", hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ, làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm, không chỉ cho thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, Việt Nam đang dần trở thành trung tâm cho thiết kế vi mạch của thế giới với các lợi thế về nhân lực chất lượng và chi phí hợp lý. Hiện Việt Nam có hơn 20 công ty sản xuất vi mạch điện tử, về nhân lực có khoảng 5.000 kỹ sư.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định sẵn sàng tạo điều kiện để Qualcomm đặt các cơ sở nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm vi mạch tại Việt Nam.

Thứ trưởng cũng đề nghị Qualcomm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam; đặc biệt là trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, thông qua hợp tác với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác các đối tác có tiềm năng sử dụng chip Qualcomm tại Việt Nam như VNPT, Viettel... trong lĩnh vực viễn thông, hoặc BKAV, Xelex trong lĩnh vực máy tính bảng, máy tích xách tay, camera... để phát triển các sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam" cung cấp cho thị trường Việt Nam và cùng các đối tác của Việt Nam đưa sản phẩm "Make in Viet Nam" ra khu vực và thế giới thông qua chuỗi cung ứng và mạng lưới khách hàng của Qualcomm.

Tại buổi tiếp, lãnh đạo Qualcomm kỳ vọng thời gian tới sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông trong chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chia sẻ kinh nghiệm thiết kế sản xuất vi mạch điện tử; tư vấn xây dựng các văn bản luật liên quan đến công nghệp công nghệ số.

Liên quan đến Qualcomm, hồi tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Qualcomm Technologies cũng đã công bố hợp tác phát triển các giải pháp hạ tầng 5G sử dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.

Theo đó, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT, thành viên của Tập đoàn Viettel) sẽ sử dụng giải pháp và nền tảng của Qualcomm để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống trạm thu phát sóng 5G Massive MIMO tương thích chuẩn mở (Open RAN), giúp đơn giản hóa việc triển khai mạng lưới và giảm chi phí đầu tư hạ tầng.

Viettel là 1 trong số 4 đối tác toàn cầu được Qualcomm lựa chọn tham gia vào quá trình phát triển và ứng dụng dòng chipset 5G mới. 

Tin mới lên