Tiêu điểm

Sắp ban hành Đề án tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020

(VNF) - Ban hành Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 - 2020 là một trong những nội dung ưu tiên của Chính phủ trong thời gian tới.

Sắp ban hành Đề án tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020

Ban hành Đề án tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016 - 2020 là nội dung đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Quốc hội sáng nay

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV sáng nay cho hay Việt Nam sẽ "ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020". 

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là về xử lý tài sản thế chấp, thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ, xác định đầy đủ, xử lý căn bản, triệt để hơn nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém; giảm tình trạng sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống. 

Chính phủ cũng sẽ khuyến khích huy động vốn qua thị trường chứng khoán, đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng giám sát thị trường; sáp nhập 2 Sở giao dịch và nâng cao chất lượng dịch vụ chứng khoán.

Đối với Kế hoạch tổng thể tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 – 2020, sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường; thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của DNNN, khi cổ phần hóa phải đăng ký, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Đối với các DNNN thua lỗ kéo dài, mất vốn chủ sở hữu mà không thể tháo gỡ được thì xem xét, cho bán hoặc phá sản theo quy định của pháp luật. 

Chính phủ cũng sẽ thực hiện công khai, minh bạch trong tái cơ cấu DNNN và đơn vị sự nghiệp công lập, chống thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong xác định giá trị quyền sử dụng đất, thuê đất để tính giá trị doanh nghiệp.

Đánh giá về tình hình tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua, Chính phủ cho rằng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững trong khi tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch; số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp. 

"Một số DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, chưa công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh; nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty chậm tiến độ, thua lỗ, lãng phí, phải dừng đầu tư, dừng hoạt động; công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập, chưa kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, có trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng", báo cáo viết.

Tin mới lên