Thị trường

Sắp khởi tố một số vụ nhập khẩu phế liệu vi phạm

(VNF) - Dự kiến trong tháng 7/2018, cơ quan Hải quan sẽ xem xét khởi tố một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong quá trình nhập khẩu phế liệu.

Sắp khởi tố một số vụ nhập khẩu phế liệu vi phạm

Ngành hải quan cho biết sắp sửa khởi tố một số vụ nhập khẩu phế liệu vi phạm. (Ảnh minh họa)

Thông tin trên được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết khi giải đáp kiến nghị của Cục Hải quan TP. HCM liên quan đến vấn đề xử lý phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của ngành Hải quan.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, đang có tình trạng nhập nhằng trong nhập khẩu phế liệu, rác thải đó là “giữa nhập khẩu có phép hoặc không phép, giữa đủ điều kiện và không đủ điều kiện”.

Để xử lý, Tổng cục trưởng yêu cầu các đơn vị cần xác định, hàng hóa khi vào địa bàn hoạt động hải quan đã thuộc đối tượng quản lý của cơ quan Hải quan.

“Nếu là hàng cấm, danh mục hàng cấm, chưa cần doanh nghiệp khai báo cơ quan Hải quan đã đủ thẩm quyền xử lý, kể cả với trường hợp hàng hóa quá cảnh. Vụ Pháp chế, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) hướng dẫn cụ thể Cục Hải quan TP. HCM và các cục hải quan địa phương xử lý vấn đề này”, Tổng cục trưởng yêu cầu.

Đặc biệt, với trường hợp phế liệu, khi doanh nghiệp đến làm thủ tục phải thực hiện kiểm định tại Cục Kiểm định hải quan (Tổng cục Hải quan) theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp không đủ điều kiện sẽ xem xét, xử lý, nhất là điều tra, xác minh làm rõ về hồ sơ chứng từ…

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cũng cho biết Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng Kiểm soát Hải quan sắp sửa khởi tố (dự kiến sang tuần sau) một số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu có hành vi vi phạm, nhập khẩu trái phép hàng hóa có đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu.

Các hành vi, thủ đoạn vi phạm cụ thể như: Nhập khẩu không đúng giấy phép; làm giả giấy phép; tẩy, sửa giấy phép; làm hồ sơ giả; nhập quá số lượng được cấp phép…

Tổng cục trưởng cũng yêu cầu các cục hải quan địa phương phải rà soát, phúc tập toàn bộ hồ sơ liên quan (đến nhập khẩu phế liệu).

Đối với các trường hợp các lô hàng đang vận chuyển về Việt Nam hoặc đã về và tồn đọng ở cảng, Tổng cục trưởng chỉ đạo, trường hợp thuộc danh mục cấm cần tiến hành xác minh luôn theo vận đơn và xem xét khởi tố nếu đủ yếu tố vi phạm, trường hợp không đủ điều kiện khởi tố phải yêu cầu hãng tàu thực hiện trách nhiệm trong xử lý, như vận chuyển khỏi lãnh thổ Việt Nam…

Trường hợp hàng tồn đọng (quá 30 ngày, 90 ngày) khi cơ quan Hải quan đã thực hiện hết các nhiệm vụ theo quy định, phải đề nghị hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng xử lý…

Mặt khác, toàn Ngành sẽ thực hiện đồng loạt việc tuyên truyền, phổ biến việc xử lý, ngăn chặn không chỉ riêng với rác thải, phế liệu mà cả các loại hàng cấm khác để ngăn chặn nguy cơ biến Việt Nam thành “bãi chứa rác thải, phế liệu, hàng cấm…”.

Tồn 3.231 container phế liệu

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Hải quan TP. HCM Đinh Ngọc Thắng cho biết đến nay tại các cảng trên địa bàn TP. HCM đang tồn 3.231 container phế liệu nhựa và giấy, tập trung nhiều nhất ở cảng Cát Lái. Trong đó có 2.183 container tồn quá 90 ngày.

Nguyên nhân khiến lượng phế liệu tồn đọng lớn tại khu vực TP. HCM theo ông Thắng là do từ ngày 1/1/2018, Trung Quốc cấm nhập khẩu nhiều loại phế liệu, trong đó có phế liệu nhựa và giấy. Do vậy, lượng phế liệu này đi về một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Mặt khác, việc cấp phép đối với nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp. Nhưng cá biệt có trường hợp Sở ủy quyền cho cấp Phòng cấp và trong giấy phép lại có nhiều loại hàng hóa nên quá trình làm thủ tục, theo dõi giấy phép lực lượng Hải quan gặp nhiều khó khăn.

“Ngoài ra có tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu nhưng không có giấy phép; hoặc trường hợp có giấy phép nhưng quá hạn, tuy nhiên bằng cách nào đó doanh nghiệp vẫn liên hệ với hãng tàu để đưa hàng về. Đặc biệt, một số doanh nghiệp không có giấy phép nhưng khi hàng vào Việt Nam lại điều chỉnh lô hàng sang cho doanh nghiệp khác có giấy phép nhập khẩu”, ông Đinh Ngọc Thắng nhấn mạnh thêm.

Tin mới lên