Tài chính quốc tế

Sát ‘giờ G’, loạt doanh nghiệp châu Âu xin miễn trừ trừng phạt Nga

(VNF) - Gần 30 công ty Estonia, một quốc gia thuộc Bắc Âu, đã nộp đơn xin miễn trừ tạm thời tham gia các lệnh trừng phạt Nga mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt để có thể tiếp tục nhập khẩu dầu Nga.

Sát ‘giờ G’, loạt doanh nghiệp châu Âu xin miễn trừ trừng phạt Nga

Gần 30 công ty Estonia đã nộp đơn xin miễn trừ tạm thời tham gia các lệnh trừng phạt Nga.

Bộ Ngoại giao Estonia mới đây đã công khai danh sách 28 công ty muốn tiếp tục nhập khẩu sản phẩm dầu từ Nga dù theo các lệnh trừng phạt của EU, họ phải chấm dứt hợp đồng hiện có với các công ty dầu Nga trước ngày 10/10.

Danh sách này gồm tập đoàn kinh doanh dầu Trafigura và công ty đường sắt nhà nước Estonia là Operail.

Dù vậy, Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu lưu ý rằng bất chấp yêu cầu miễn trừ của một số công ty đối với lệnh cấm vận Nga, các nhà chức trách nước này sẽ theo đuổi thực hiện chính sách của EU để "ngăn chặn hơn nữa hoạt động thương mại năng lượng của EU với Nga".

Estonia cho tới nay luôn công khai ủng hộ mạnh mẽ chính sách trừng phạt của EU đối với Nga. Mới đây, ngày 28/7, chính phủ Estonia đã đưa ra gói trừng phạt mới chống lại Moscow bằng cách cấm công dân Nga nhận được thị thực và giấy phép cư trú phục vụ mục đích học tập và lao động ngắn hạn.

Estonia cũng sẽ không cấp giấy phép lao động cả ngắn hạn và dài hạn cho công dân Nga và Belarus đang có thị thực do một quốc gia thành viên EU cấp.

Được biết, Estonia cũng đã đệ trình đề xuất về một gói trừng phạt mới đối với Nga lên EU.

Về lệnh cấp vận dầu Nga, EU cho tới nay đã thông qua 7 gói trừng phạt đối với Nga. Trong lệnh cấm vận gần đây nhất vào tháng 6, EU sẽ dần loại bỏ việc nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển trong năm nay và đối với nhập khẩu dầu tinh chế từ tháng 2 năm tới, cấm toàn bộ các công ty châu Âu được bảo hiểm hoặc tái bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga sang nước thứ ba.

Theo các chuyên gia, nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ của Nga sẽ còn tăng trong những tháng tới trong bối cảnh giá khí đốt và giá điện vẫn không ngừng tăng, buộc các tập đoàn công nghiệp lớn của EU phải chuyển sang sử dụng nhiều dầu mỏ hơn.

Nga từng cảnh báo quyết định của EU về việc dần loại bỏ dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga, cũng như cấm cung cấp bảo hiểm đối với các tàu chở dầu của Nga, có thể càng khiến giá cả gia tăng, gây bất ổn cho thị trường năng lượng, đồng thời làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Xem thêm >> Nga: Chính châu Âu khiến Dòng chảy phương Bắc dừng vô thời hạn

Tin mới lên