Tiêu điểm

Sau 1 năm, báo cáo của Chính phủ về Luật đặc khu, Luật biểu tình có gì mới?

(VNF) - Các nội dung về Luật đặc khu, Luật biểu tình, Luật về hội... của Chính phủ năm nay hầu như không khác gì so với báo cáo năm trước.

Sau 1 năm, báo cáo của Chính phủ về Luật đặc khu, Luật biểu tình có gì mới?

Sau 1 năm, báo cáo của Chính phủ về Luật đặc khu, Luật biểu tình có gì mới?

Tại tờ trình "Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020", Chính phủ đã cung cấp một số thông tin về các dự án đã rút ra khỏi Chương trình giai đoạn 2016 - 2019.

So với báo cáo năm trước, các nội dung hầu như không có gì thay đổi.

Cụ thể, đối với Luật về hội, báo cáo cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện và xây dựng báo cáo đánh giá tác động đối với nội dung mới.

Ngày 8/5/2018, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã có Công văn số 448-CV/BCSĐCP gửi Đảng đoàn Quốc hội để thống nhất một số nội dung về dự án luật để báo cáo cấp có thẩm quyền. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Đảng đoàn Quốc hội, ngày 16/7/2018, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có Tờ trình số 541-TTr/BCSĐCP(m) báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Đối với Luật biểu tình, báo cáo cho hay Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để xây dựng dự án, bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước.

Đối với Luật dân số, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban các vấn đề xã hội và sẽ đề xuất đưa vào Chương trình tại thời điểm thích hợp.

Đối với Luật quản lý phát triển đô thị, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục nghiên cứu, làm rõ phạm vi điều chỉnh, sự đồng bộ giữa Luật này với các Luật Quy hoạch đô thị, Xây dựng, Nhà ở, Đất đai, Đầu tư và các luật khác có liên quan, qua đó bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, khảo sát đánh giá thực tiễn và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề mới như phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh; nguồn lực tài chính phát triển đô thị… để đề xuất đưa vào Chương trình tại thời điểm thích hợp.

Đối với Luật Thuế bảo vệ môi trường, trước mắt, Chính phủ chưa đề nghị đưa dự án luật này vào Chương trình năm 2020 và 2021 mà giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục tổng kết, đánh giá Luật Thuế bảo vệ môi trường, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu, xây dựng dự án luật này vào thời điểm thích hợp.

Đối với Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu), Chính phủ cho biết: thực hiện Nghị quyết số 64/2018/QH14 của Quốc hội, kết luận tại cuộc họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật theo hướng xây dựng một luật chung.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan đang thực hiện nội dung này.

Tin mới lên