Ngân hàng

Sau 1 năm lãi đậm, ngân hàng tiếp tục thu lợi lớn trong 2023

(VNF) - Nhiều ngân hàng đã hé lộ lợi nhuận trong năm 2022 với kết quả tích cực. Trong năm 2023, các ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng.

Sau 1 năm lãi đậm, ngân hàng tiếp tục thu lợi lớn trong 2023

Lợi nhuận ngân hàng 2022: Chục ngàn tỷ và tỷ USD

VietinBank là nhà băng đầu tiên công bố lợi nhuận 2022. Năm 2022, ngân hàng đã hoàn thành các chỉ tiêu được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Theo đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ước đạt 20.500 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1,2%, tỷ bao phủ nợ xấu đạt 190%. Tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động (CIR) dưới 30%, nằm trong nhóm CIR thấp nhất ngành ngân hàng.

Lãnh đạo Vietcombank cho hay, ngân hàng đã đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu kinh doanh năm 2022. Theo đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng tăng 39% so với năm 2021 (khoảng 36.774 tỷ đồng) và đạt 119% kế hoạch năm 2022. Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,84% và 24,25%. Với kết quả đạt được, Vietcombank tiếp tục đứng đầu ngành ngân hàng về lợi nhuận.

Trong khi đó, đến hết 31/12/2022, với BIDV, lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 22.560 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 71% so với mức thực hiện năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%).

Tổng tài sản của BIDV đến cuối năm 2022 ước đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021, tiếp tục giữ vững vị thế là Ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.

Ở nhóm ngân hàng tư nhân, TPBank cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2022 ước đạt 7.828 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2021. Trong khi trích lập dự phòng rủi ro cũng thấp hơn các năm trước.

Tổng tài sản của TPBank trong năm 2022 tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, cán mốc gần 329 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm 2022 đạt trên 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 15,5% so với năm 2021. Lãi thuần từ dịch vụ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, tăng gần 75% so với cùng kỳ.

Còn lãnh đạo VIB dự báo lợi nhuận trước thuế của cả năm 2022 sẽ vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao là 10.500 tỷ, tương đương với 8.400 tỷ lợi nhuận sau thuế.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng nhỏ lại điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Cụ thể, mới đây, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế giảm gần 27%, từ 1.090 tỷ đồng xuống 800 tỷ đồng; tổng tài sản từ 133.000 tỷ đồng giảm xuống còn 115.000 tỷ đồng.

Trước đó, VietBank đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 đạt 536 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện gần 50% kế hoạch năm. Riêng quý III/2022, lợi nhuận của VietBank là 148 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ.

Báo cáo phân tích mới nhất của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho thấy, phần lớn ngân hàng đều ước tính tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý IV/2022, có hai ngân hàng ước tính tăng trưởng lợi nhuận âm là MB và OCB.

Theo SSI Research, MBBank tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý IV/2022, đạt 4.500 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2022, MB ghi nhận 22.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 36% so với cùng kỳ.

Còn với OCB, SSI Research cho hay, lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 dự kiến sẽ giảm đáng kể 22,8% so với cùng kỳ xuống còn 1.350 tỷ đồng, chủ yếu do gặp bất lợi từ hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh trong năm 2022 cũng như giảm thu nhập phí thuần.

SSI Research cũng dự đoán lợi nhuận của một số ngân hàng trong năm 2022 như lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 của ACB khoảng 17.000 tỷ đồng. tăng 41,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế của MSB trong năm 2022 ước tính đạt 6.150 tỷ đồng; Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 đạt hơn 6.300 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 của HDBank đạt 10.000 tỷ đồng.

 Kỳ vọng năm 2023?

NHNN vừa công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong Quý I/2023.

Đánh giá cả năm 2022, các TCTD nhận định tình hình thanh khoản “cải thiện” so với năm 2021 nhưng không được như kỳ vọng. Tính chung trong năm 2022, 80% TCTD nhận định tình hình kinh doanh tổng thể ”cải thiện” so với năm 2021, 87% TCTD ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021, có 9,3% TCTD ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm.

Năm 2023, các TCTD kỳ vọng thanh khoản hệ thống tiếp tục được cải thiện so với năm 2022. Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,9% trong quý I/2023 và tăng 10% trong năm 2023. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4% trong quý I/2023 và tăng 13,7% trong năm 2023.

Các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý I/2023 nhưng tăng với tốc độ chậm lại trong năm 2023 so với năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. 

Dự báo về hoạt động kinh doanh năm 2023, các TCTD tỏ ra thận trọng hơn trong thời gian tới với 56,4-75,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I/2023 và cả năm 2023 nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022. 95,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022, 2,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi.

Trong năm 2023, các TCTD kỳ vọng tất cả các nhân tố khách quan sẽ có tác động tích cực hơn so với năm 2022, trong đó “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được dự kiến là nhân tố tác động tích cực quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của TCTD.

Trong khi đó, VNDirect Research kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ đạt 10-11% so với năm trước trong năm 2023-2024 (từ mức 32% năm 2022).

VNDirect nhận định, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% năm 2023 do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao. Lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao. Căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng, vào cuối quý III/2022, các ngân hàng đều ghi nhận chỉ số LDR tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).

VNDirect cho rằng, NHNN sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2023-2024 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn nhiều biến động, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chính sách "diều hâu" của Fed gây áp lực lên tỷ giá và lãi suất, áp lực lạm phát.

Cùng với tình trạng căng thẳng thanh khoản, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với chi phí vốn tăng trong năm 2023. Khi chi phí vốn tăng mạnh, NIM của các ngân hàng cũng sẽ thu hẹp. Theo VNDirect, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp.

Tin mới lên