Bất động sản

Sau 5 tháng vận hành tuyến container, Cảng quốc tế Nghi Sơn tăng trưởng thế nào?

(VNF) - Trao đổi với VietnamFinance, ông Phan Đào Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gang thép Nghi Sơn (NIS) cho biết: Sau 5 tháng triển khai, tuyến container quốc tế tại Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn đã bước đầu hấp dẫn các nhà đầu tư. Hiện tại, mỗi tuần cảng đón 1 chuyến tàu container , sau 5 tháng sản lượng đạt trên 15.000 TEU.

Sau 5 tháng vận hành tuyến container, Cảng quốc tế Nghi Sơn tăng trưởng thế nào?

Đây là con số ấn tượng đối với Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn (sau đây gọi tắt là Cảng quốc tế Nghi Sơn), bởi lẽ việc mở tuyến vận tải container từ tháng 5/2019 được cho là bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển vận tải biển, giao thương hội nhập Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn cũng như toàn bộ khu vực Bắc Miền Trung.

Ông Phan Đào Vũ cho biết, “nếu như so sánh, trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng hàng hoá qua cảng đạt 2 triệu tấn, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Trung bình mỗi tháng có 70 đến 80 lượt tàu cập cảng. Thì sau 5 tháng mở tuyến container quốc tế, cảng đã đạt sản lượng 3,2 triệu tấn, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2018”.

“Đặc biệt, tập đoàn CMA là tập đoàn vận chuyển container đứng đầu nước Pháp và lớn thứ 3 trên thế giới đã quyết định chọn Cảng quốc tế Nghi Sơn làm điểm cập bến cho những chuyến tàu container, với tần suất ban đầu 1 chuyến/tuần”, ông Vũ nói.

Bên cạnh đó, Haiphong China Express (HCX) của CNC thuộc Tập đoàn CMA CGM cũng là đơn vị vận chuyển container duy nhất ghé cảng Nghi Sơn. Sau đó, tuyến hàng hải này sẽ ghé các cảng trung chuyển lớn khách như Hồng Kông, Nam Sa, Hải Phòng, Nghi Sơn và Trạm Giang.

Từ các cảng Hồng Kông và Nam Sa, Nam Trung Quốc, các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể kết nối với các thị trường nội Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore; cũng như các điểm đến xa hơn ở Bắc Mỹ, Trung Đông và Châu Âu thông qua mạng lưới toàn cầu của APL và tập đoàn CMA CGM.

Về quy hoạch, ông Vũ cho biết thêm, mục tiêu Cảng Nghi Sơn đầu tư phát triển bến cảng container chuyên dụng với năng lực tiếp nhận tàu và xếp dỡ container lên tới 600.000 TEU một năm, hướng đến sự phát triển trong tương lai của khu vực…

Theo tính toán của Hải quan Thanh Hoá, khi thực hiện xuất nhập khẩu qua Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn, sẽ tiết kiệm chi phí vận tải đường bộ cho các doanh nghiệp tại Nghệ An từ 60-65%; Thanh Hóa từ 45-50%; Ninh Bình từ 18-20%. Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hoá có 350 doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu, trong đó có 95 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn.

Trong một báo cáo mới nhất của Cục hàng hải Việt Nam cho thấy, khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao nhất so với cả nước là Thanh Hóa tăng 86%, chủ yếu là hàng lỏng phục vụ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và sự phát triển của Cảng container quốc tế Nghi Sơn. Đây thực sự làm một môi trường đáng đầu tư trong tương lai.

Cảng quốc tế Nghi Sơn được quy hoạch thế nào?

Theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn đã được Chính phủ phê duyệt, hệ thống Cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch với tổng cộng 62 bến, trong đó có 12 bến container, 20 bến tổng hợp và các bến, khu bến chuyên dùng. 

Theo quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2368/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016, giai đoạn 2020 – 2030, bao gồm, Cảng Nghi Sơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I, tiếp nhận tàu đến 50.000DWT (riêng khu bến đảo Hòn Mê tiếp nhận tàu đến 400.000 DWT); lượng hàng thông qua cảng dự kiến vào năm 2020 khoảng 32,7 - 38,7 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 56,4 - 65,6 triệu tấn/năm.

 

Tin mới lên