Tài chính

Sau bê bối lụa 'hàng Tàu - nhãn Việt', doanh nghiệp nhà Khải Silk làm ăn thế nào?

(VNF) - Trước khi xảy ra bê bối bán hàng gian lận, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu lụa Khaisilk của doanh nhân Hoàng Khải đã cho thấy sự "đuối" dần trong kết quả kinh doanh...

Sau bê bối lụa 'hàng Tàu - nhãn Việt', doanh nghiệp nhà Khải Silk làm ăn thế nào?

Doanh nhân Hoàng Khải - Khải Silk

Tháng 10/2017, thương hiệu lụa Khaisilk của doanh nhân Hoàng Khải (SN 1963) trở thành tâm điểm của mạng xã hội, báo chí khi dính vào bê bối gian lận đưa sản phẩm tơ lụa Trung Quốc vào thị trường Việt Nam, song được che đậy bằng danh nghĩa "mang sản phẩm tơ lụa Việt Nam ra quốc tế".

Ngay sau đó, thương hiệu Khaisilk chìm sâu vào vũng lầy khủng hoảng, bị người tiêu dùng tẩy chay, lên án. Ông Hoàng Khải khi đó đã thừa nhận việc bán lụa Tàu của mình. Mặt khác, cơ quan chức năng sau khi vào cuộc điều tra còn phát hiện thêm là khăn lụa Khaisilk không có 100% thành phần lụa như công bố trên sản phẩm.

Bộ Công Thương cũng có kết luận rằng, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu lụa Khaisilk đã vi phạm loạt dấu hiệu liên quan tới bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Khaisilk còn có dấu hiệu vi phạm luật về quản lý thuế, hóa đơn...

Cũng từ lúc này, trước những phản ứng gay gắt của người tiêu dùng, dư luận trong nước, ông Hoàng Khải đã chọn cách im lặng và trở nên kín tiếng hơn rất nhiều. Khác với những lần tạo sóng cộng đồng mạng bằng bộ sưu tập siêu xe của mình, đặc biệt là lần mang chiếc Rolls-Royce Phantom về Việt Nam đầu tiên, cái tên Hoàng Khải - Khải Silk dần dần biến mất khỏi các phương tiện truyền thông.

Chính vì vậy, những thay đổi về nhân sự hay tình hình tài chính của nhóm doanh nghiệp "họ Khải Silk" giai đoạn sau khủng hoảng trở thành một ẩn số và được dư luận hết sức quan tâm.

Tập đoàn Khải Silk làm ăn thế nào?

Không chỉ nổi danh với thương hiệu lụa Khaisilk, Tập đoàn Khải Silk của doanh nhân Hoàng Khải còn được biết với vị thế là "ông trùm" bất động sản, với các lô đất có giá trị hàng triệu đô la như số 26 Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình, Hà Nội) - Khai's Brothers, khu đất trung tâm TP. HCM ngã tư Lê Quý Đôn - Điện Biên Phủ - nhà hàng Au Manoir De Khai, số 2- 6 Phan Văn Chương (TP. HCM) - khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm...

Nổi bật trong đó là trung tâm thương mại có tên Saigon Paragon, trị giá 35 triệu USD được khai trương vào tháng 7/2009.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, một trong những "sếu đầu đàn" của tổ hợp doanh nghiệp "họ Khải Silk" là Công ty TNHH Khải Đức. Khải Đức là pháp nhân đứng sau thương hiệu lụa Khaisilk, được thành lập từ trung tuần tháng 8/2002. Hiện doanh nghiệp có vốn điều lệ 46,5 tỷ đồng, trụ sở chính đặt ở số 2 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, quận 7, TP. HCM.

Khải Đức có rất nhiều chi nhánh và được đăng ký địa chỉ tại các cơ sở kinh doanh của Tập đoàn Khải Silk, đơn cử như 101 Đồng Khởi (quận 1), 23 Nguyễn Khắc Viện - nhà hàng Trung Hoa Minh (quận 7), số 2A - 4A Tôn Đức Thắng (quận 1), số 81 Đồng Khởi - cửa hàng thời trang 81 (quận 1), gian số 3SF-8-1, 3SB-9-1, 3SG-10-1, 3SH-11-1, 3ST-10-2, khu phố Grand view - nhà hàng Trung Hoa Thao Li (quận 7)...

Trước đó, doanh nghiệp cũng có chi nhánh tại số 113 Hàng Gai (Hà Nội). Đây là cửa hàng lụa Khaisilk trong bê bối gian lận kinh doanh kể trên, tuy nhiên đến nay đã được giải thể.

Sau khi xảy ra lùm xùm khoảng 2 tháng, cuối năm 2017, Chủ tịch HĐTV Hoàng Khải đã rút khỏi vai trò đại diện pháp luật, thay vào đó là giám đốc Nguyễn Thu Nga (SN 1974). Cơ cấu cổ đông cũng có sự biến động nhẹ, mặc dù ông Hoàng Khải vẫn sở hữu 99% vốn, nhưng cá nhân Hoàng Phi Phi (SN 1976) đã nhượng lại 1% vốn còn lại cho bà Nga.

Cửa hàng Khải Silk đóng cửa im lìm sau bê bối.

Về tình hình kinh doanh, ở những năm trước khi xảy ra khủng hoảng, doanh thu của Khải Đức đã cho thấy sự "đuối" dần. Cụ thể, năm 2015 chỉ tiêu này đứng ở mức 46,3 tỷ đồng, giảm còn 33,5 tỷ đồng và 27,2 tỷ đồng (năm 2016-2017).

Cùng với đó, lợi nhuận cũng giảm nhanh, từ 6,3 tỷ đồng xuống 1 tỷ đồng. Đặc biệt, cuối năm 2017 Khải Đức thua lỗ hơn 1,1 tỷ đồng.

Một trong những doanh nghiệp chủ chốt khác của Tập đoàn Khải Silk đó là Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Khải. Hoàng Khải hoạt động chính ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản, có tuổi đời lâu nhất trong nhóm doanh nghiệp "họ Khải Silk" (thành lập ngày 23/9/2008).

Đáng chú ý, tình hình kinh doanh những năm qua của Hoàng Khải rất trồi sụt. Theo tài liệu mà VietnamFinance có được, trong giai đoạn 2016-2018, doanh nghiệp duy trì doanh thu trên ngưỡng 27 tỷ đồng, tuy nhiên năm 2019 giảm khá mạnh còn 16 tỷ đồng.

Trái ngược với nguồn thu ổn định, lợi nhuận sau thuế của Hoàng Khải lại biến động rất nhanh theo đồ thị hình sin. Cụ thể, năm 2016 và 2017, doanh nghiệp lỗ ròng 5,6 tỷ đồng và 13 tỷ đồng, thế nhưng có lãi cao đến 37,3 tỷ đồng vào năm 2018. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, Hoàng Khải quay về quỹ đạo ảm đạm với lợi nhuận 3,5 tỷ đồng vào năm 2019.

Bảng cân đối kế toán cho thấy, tổng tài sản trong khoảng thời gian này của Hoàng Khải liên tục suy giảm, từ 119 tỷ đồng (năm 2016) xuống còn 84,7 tỷ đồng (năm 2019). Một điểm đáng lưu tâm, doanh nghiệp đã làm ăn rất bết bát ở giai đoạn trước đó.

Bên nguồn vốn cho thấy, năm 2016, Hoàng Khải đã gánh một khoản lỗ sau thuế gần trăm tỷ đồng, qua đó bào mòn vốn chủ sở hữu xuống âm gần 60 tỷ đồng (vốn điều lệ là 30 tỷ đồng). Bất chấp khoản lãi đột biến năm 2018 (37,3 tỷ đồng), đến cuối năm 2019 vốn chủ của Hoàng Khải vẫn âm hơn 30 tỷ đồng.

Trong bối cảnh gặp khó về nguồn lực, cũng là điều dễ hiểu khi Hoàng Khải bị Cục thuế TP. HCM bêu tên là doanh nghiệp chây ì nợ thuế, hồi tháng 2/2019. Theo đó, Hoàng Khải nợ thuế giá trị gia tăng gần 5 tỷ đồng và tiền chậm nộp là 181 triệu đồng; chi nhánh của Hoàng Khải cũng nợ thuế giá trị gia tăng 244 triệu đồng, tiền chậm nộp 15 triệu đồng. Lúc này Khải Đức cũng có tên trong danh sách nợ nần, với khoản nợ thuế 793 triệu đồng và 27 triệu đồng tiền chậm nộp.

Hiện nay, ông Hoàng Khải cũng đang là chủ tịch HĐTV của Công ty TNHH Phở ông Khải, doanh nghiệp thành lập vào tháng 4/2017. Công ty Cổ phần Kim Cương là công ty mẹ của Phở ông Khải với tỷ lệ sở hữu 71% vốn (tương ứng 53 tỷ đồng), còn ông Hoàng Khải nắm giữ 29% vốn còn lại, tương đương 22 tỷ đồng.

Đáng chú ý, kể từ khi thành lập, Phở ông Khải không ghi nhận bất kì doanh thu nào đến hết năm 2019...

Nói thêm về Công ty Cổ phần Kim Cương, doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, được sáng lập bởi 5 cổ đông bao gồm Phan Anh Đức, Lê Hoài Anh, Lê Hoài Nam, Đoàn Anh Quân, Hoàng Phi Phi và Hoàng Khải. Tính đến giữa năm 2014, tỷ lệ sở hữu của ông Hoàng Khải chiếm đến 47,5% vốn.

Giai đoạn 2016-2019, với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, Kim Cương ghi nhận doanh thu lần lượt đạt 92,5 tỷ đồng, 88,6 tỷ đồng, 95,3 tỷ đồng và 104,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ở mức 28,1 tỷ đồng, 22,2 tỷ đồng, 28,8 tỷ đồng và 7 tỷ đồng.

Mặc dù liên tục có lãi, tuy nhiên vốn chủ sở hữu của Kim Cương tính đến cuối 2019 vẫn thấp hơn vốn điều lệ hơn 42 tỷ đồng. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã trải qua một thời kỳ kinh doanh rất ảm đạm trước đó.

Tin mới lên