Tài chính quốc tế

Sau Hungary, tới lượt Đức tuyên bố chưa thể ‘cai nghiện’ năng lượng Nga

(VNF) - Dù đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn khẳng định rằng Nga sẽ tiếp tục là nhà cung cấp năng lượng quan trọng của Đức trong thời gian tới.

Sau Hungary, tới lượt Đức tuyên bố chưa thể ‘cai nghiện’ năng lượng Nga

Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Phát biểu trước Quốc hội liên bang ngày 23/3, Thủ tướng Đức Scholz khẳng định nước Đức chưa thể loại bỏ nguồn cung năng lượng từ Nga trong ngắn hạn.

Người đứng đầu chính phủ Đức cho biết loạt biện pháp trừng phạt Nga nhằm phản đối việc nước này “động binh” với Ukraine đã gây ảnh hưởng nặng nề đến người dân Đức, không chỉ vì giá nhiên liệu tăng cao.

“Nếu loại bỏ nguồn cung năng lượng từ Nga, hàng trăm nghìn việc làm sẽ gặp rủi ro, toàn bộ các ngành công nghiệp sẽ đứng trước bờ vực”, ông Scholz nêu rõ và khẳng định điều này sẽ đẩy Đức và toàn bộ châu Âu rơi vào một cuộc suy thoái.

Theo vị thủ tướng, hiện nguồn cung cấp năng lượng cho việc sản xuất nhiệt điện, di chuyển và các ngành công nghiệp của châu Âu không thể được đảm bảo bằng bất cứ cách thức nào khác ngoài việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga.

Thủ tướng Scholz đồng thời nhấn mạnh rằng Chính phủ Đức hành động theo nguyên tắc các lệnh trừng phạt không được gây tổn hại cho các quốc gia châu Âu nhiều hơn so với Nga.

Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế cho nguồn cung khí đốt từ Nga, Đức mới đây đã ký kết thỏa thuận năng lượng dài hạn với Qatar trong khuôn khổ chuyến thăm của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tới thủ đô Doha vào cuối tuần qua.

Qatar hiện là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới. Đức kỳ vọng nguồn cung khí đốt của nước này có thể giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào Nga.

Bên cạnh chuyến thăm Qatar, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cuối tuần qua đã tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm tìm kiếm một thỏa thuận cung cấp LNG, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ khí đốt thông thường sang hydro xanh. Hồi đầu tháng, ông Habeck cũng đã tới thăm Nauy và Mỹ với mục đích tương tự.

Ông Habeck cũng cho biết Đức sẽ xây dựng hai nhà ga LNG để cho phép nhập khẩu từ các nhà cung cấp như Mỹ.

Ở động thái liên quan, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 21/3 tuyên bố nước này không ủng hộ việc Liên minh châu Âu (EU) giáng đòn trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ và khí đốt của Nga bởi việc này gây rủi ro lớn cho nguồn cung năng lượng tới Hungary.

Theo ông Szijjarto, việc trừng phạt các công ty năng lượng Nga chưa chắc đã giúp EU đạt được mục đích mà còn “phản tác dụng”, gây tổn hại tới lợi ích năng lượng của Hungary và cả EU.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng cho biết 90% các gia đình Hungary cần khí đốt và nước này mua phần lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Nga. Vì vậy, ông sẽ không cho phép các gia đình Hungary phải trả giá cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga ngay từ năm nay và dự kiến sẽ “cai nghiện” hoàn toàn dòng năng lượng từ quốc gia này vào năm 2027.

Tổng lượng khí đốt EU nhập từ Nga là khoảng 168 tỷ m3. Riêng Đức nhập khoảng 56 tỷ m3 khí đốt từ Nga trong năm 2020, chiếm gần 55% lượng khí đốt nước này sử dụng.

Xem thêm >> Mỹ và đồng minh tính loại Nga khỏi G20, Trung Quốc nói gì?

Tin mới lên