Tài chính quốc tế

Sau lệnh cấm nhập cảnh, Mỹ lại cấm mang laptop, iPad lên máy bay

(VNF) - Chính phủ Mỹ đã chính thức ban lệnh cấm hành khách từ 8 nước, chủ yếu ở Trung Đông và Bắc Phi, mang các thiết bị điện tử lớn hơn điện thoại trong hành lý xách tay lên máy bay đến Mỹ nhằm đề phòng khủng bố.

Sau lệnh cấm nhập cảnh, Mỹ lại cấm mang laptop, iPad lên máy bay

Mỹ cấm hành khách của một số hãng hàng không không được đem thiết bị điện tử có kích thước lớn hơn điện thoại di động lên máy bay.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ đưa ra quy định cấm hành khách trên một số chuyến bay của các hãng hàng không nước ngoài đem theo các thiết bị điện tử cỡ lớn do lo ngại nguy cơ khủng bố.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết bắt đầu từ sáng 21/3, các hãng hàng không bay trực tiếp đến Mỹ từ 10 phi trường ở Jordan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Kuwait, Ma Rốc và Qatar phải tuân thủ quy định trên. Nghĩa là ngoài điện thoại di động, các thiết bị khác như máy tính xách tay và máy tính bảng sẽ bị cấm mang lên khoang hành khách vô thời hạn.

Các quan chức Mỹ nói rằng các hãng hàng không có 96 giờ để thực hiện sắc lệnh an ninh này nếu không muốn bị cấm bay đến Mỹ.

Khoảng 50 chuyến bay mỗi ngày, tất cả đều là của các hãng hàng không nước ngoài, sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này. Các hãng này bao gồm Royal Jordanian Airlines (Jordan), Egypt Air (Ai Cập), Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ), Saudi Arabian Airlines (Ả Rập Xê Út), Kuwait Airways (Kuwait), Royal Air Maroc (Ma Rốc), Qatar Airways (Qatar), Emirates và Etihad Airways (UAE), theo Reuters.

Giới chức tại Washington khẳng định không hãng hàng không Mỹ nào có chuyến bay thẳng từ những thành phố trên đến nước này.

Các quan chức Mỹ giấu tên nói với AP rằng quyết định trên xuất phát từ "thông tin tình báo được thẩm định" về những mối đe dọa tiềm tàng đối với các máy bay đến Mỹ. Những quan chức này không tiết lộ thời điểm thu được thông tin tình báo hoặc liệu có nhóm khủng bố cụ thể nào được cho là đang chuẩn bị tấn công Mỹ.

Reuters hôm 20/3 đưa tin quyết định trên đã được xem xét kể từ khi chính phủ Mỹ biết về một mối đe dọa cách đây vài tuần.

Giới chức Mỹ nói với Reuters rằng thông tin thu được từ một cuộc tấn công của biệt kích Mỹ vào tháng 1 tại Yemen nhằm vào nhóm al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP), bao gồm cả những kỹ thuật chế tạo bom.

AQAP từng âm mưu tấn công các hãng hàng không Mỹ và nhận trách nhiệm vụ tấn công vào trụ sở tạp chí Charlie Hebdo ở Paris (Pháp). Năm 2010, giới chức an ninh ở Anh và Dubai đã ngăn chặn âm mưu gửi những quả bom trong bưu kiện từ Yemen đến Mỹ.

Theo chân Mỹ, nước Anh cũng đang chuẩn bị ban hành lệnh cấm hành khách không được mang theo máy tính bảng, laptop hay các thiết bị điện tử khác lên chuyến bay đến từ các nước Trung Đông.

Tờ Telegraph dẫn nguồn tin an ninh Anh cho biết giống như phía Mỹ, cơ quan tình báo nước này đã lường trước các mối đe dọa khủng bố, vì vậy, chính phủ Anh sẽ ra một lệnh cấm giống lệnh cấm của Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/3 đã ký sắc lệnh cấm nhập cảnh mới, có hiệu lực từ ngày 16/3. Sắc lệnh hành pháp mới của chính quyền Trump tạm thời dừng cấp thị thực cho những người đến từ 6 nước Hồi giáo gồm Syria, Iran, Libya, Somalia, Yemen và Sudan. 6 quốc gia này được đưa vào danh sách bởi năng lực thông tin và rà soát của họ không đạt tiêu chuẩn an ninh Mỹ. So với danh sách 7 nước bị cấm trong sắc lệnh đầu, Iraq là quốc gia duy nhất được "miễn trừ".

Lệnh hành pháp về nhập cư "phiên bản 2.0 " này được đánh giá là "mềm mỏng" hơn sắc lệnh cũ về một số điểm. Nó không áp dụng với người có thị thực vào Mỹ, cư dân thường trú tại Mỹ và giảm từ cấm nhập cư vô thời hạn đối với người tị nạn Syria xuống còn 120 ngày. 

Lệnh cấm nhập cư tạm thời đối với công dân từ các nước Hồi giáo trước đó của Tổng thống Donald Trump được cho là nhằm giúp bảo vệ nước Mỹ khỏi chủ nghĩa khủng bố. 

Dù được cho là phiên bản "nâng cấp" của lệnh hành pháp cũ từng bị tòa án liên bang chặn đứng, sắc lệnh mới của ông Trump đang tiếp tục gây nhiều tranh cãi về nội dung, tính hợp pháp cũng như hiệu quả.

Tin mới lên