Tài chính

Sau phiên lao dốc kỷ lục, VN-Index sẽ diễn biến ra sao?

(VNF) - BVSC cho rằng thị trường sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong 1-2 phiên tiếp theo nhưng nhà đầu tư không cần thiết phải bán bằng mọi giá, bởi sau những phiên giảm điểm mạnh như vừa qua thường có nhịp hồi phục, cùng với đó, triển vọng thị trường trong dài hạn vẫn tích cực.

Sau phiên lao dốc kỷ lục, VN-Index sẽ diễn biến ra sao?

Sau phiên lao dốc kỷ lục, VN-Index sẽ diễn biến ra sao?

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/1, VN-Index giảm 60,94 điểm - mức giảm mạnh nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam trong một phiên xét về số tuyệt đối. 

Chỉ số sàn HoSE đóng cửa ở mức 1.131 điểm, tương đương giảm 5,11%.

Áp lực điều chỉnh của thị trường xuất hiện ngay từ đầu phiên khi lực cầu ở nhiều mã khá yếu. Khi những dấu hiệu của phiên điều chỉnh xuất hiện, nhu cầu chốt lời để bảo toàn thành quả từ nhiều nhà đầu tư đã kịch hoạt.

Cộng hưởng với nhu cầu chốt lời, lực bán trở nên lớn dần và mạnh hơn khi khoảng cách giữa thị trường phái sinh và thị trường cơ sở chuyển từ dương sang âm trong phiên sáng. Khi “gap” giữa hợp đồng VN30F2101 và chỉ số VN30 thu hẹp, các nhà đầu tư thực hiện chiến lược arbitrage để sinh lời thông qua việc long cơ sở và short phái sinh khi khoảng cách giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh được duy trì ở mức dương đã thực hiện việc đóng vị thế.

Việc chốt lời của nhóm nhà đầu tư thực hiện chiến lược này đã làm xuất hiện cung bằng mọi giá, và lượng cung nhanh chóng vượt cầu, làm chỉ số giảm sâu, mất tới 74,77 điểm về mức 1.117,17 điểm chốt phiên sáng. Tuy nhiên, sang phiên chiều, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện, một số cổ phiếu trong VN30 không còn cầu làm động thái đóng vị thế của chiến lược arbitrage giảm dần, giúp chỉ số thu hẹp mức mất điểm và đóng cửa mức 1.131 điểm.

Trong ngắn hạn, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng thị trường chứng khoán sẽ vẫn tiếp tục chịu áp lực bán trong những phiên giao dịch tới, nhưng sẽ không còn mạnh như phiên 19/1. Lực bán tiếp tục chiếm ưu thế do nhu cầu đóng vị thế arbitrage khi hợp đồng VN30F2101 đã sát ngày đáo hạn, bên cạnh đó cũng cần thời gian để các nhà đầu tư sử dụng dòng tiền nóng cân đối.

"Tuy nhiên, áp lực này có thể chỉ diễn ra trong 1-2 phiên, sau đó thị trường sẽ nhanh chóng trở lại với diễn biến tích cực hơn. Trong quá khứ, sau những phiêm giảm điểm mạnh như phiên 19/1 thường tạo ra cơ hội cho những đợt hồi đủ T+", chuyên gia của BVSC lưu ý.

Về trung và dài hạn, BVSC vẫn tiếp tục duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ nhất, môi trường tiền rẻ được duy trì trên thế giới và Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tạo động lực để hỗ trợ thị trường chứng khoán. Môi trường lãi suất thấp theo dự báo của BVSC có thể còn duy trì cho đến quý III/2021.

Thứ hai, với việc tiêm vắc xin chống Covid-19 rộng rãi hơn, khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ có phục hồi tốt từ đáy năm 2020.

Thứ ba, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2021 sẽ có tăng trưởng mạnh, theo dự báo của BVSC với nhóm doanh nghiệp mà công ty theo dõi, lợi nhuận sau thuế có thể đạt mức tăng trưởng 25%.

Thứ tư, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục tạo động lực để hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam về trung và dài hạn.

Cuối cùng, với kỳ vọng các nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Chứng Khoán 2019, Luật Doanh Nghiệp 2020 và Luật Đầu Tư 2020 sẽ sớm được ban hành, kèm với việc hệ thống giao dịch mới tại sàn HoSE được đưa vào trong nửa cuối năm nay, BVSC kỳ vọng FTSE sẽ nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường chứng khoán mới nổi loại hai trong năm 2022. Điều đó sẽ giúp TTCK Việt Nam thu hút khoảng hơn 1,3 tỷ USD, dòng tiền từ các quỹ chủ động có thể sẽ sớm xuất hiện trong giai đoạn nửa cuối năm 2021.

"Do vậy, mặc dù duy trì quan điểm thị trường có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh thêm 1-2 phiên, nhưng chúng tôi cho rằng thị trường sẽ có đợt phục hồi đủ T+, nhà đầu tư không cần thiết phải bán bằng mọi giá trong 1-2 phiên tới", BVSC khuyến nghị.

Tin mới lên