Tài chính quốc tế

Saudi Arabia cảnh báo OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu

(VNF) - Giá dầu quay đầu tăng trong phiên 23/8 sau khi Saudi Arabia cảnh báo OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng để điều chỉnh đà giảm gần đây của giá dầu kỳ hạn.

Saudi Arabia cảnh báo OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu

Hoàng tử Abdulaziz bin Salman kiêm Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết OPEC sẵn sàng giảm sản lượng để điều chỉnh đà giảm giá dầu gần đây.

Trả lời trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg ngày 22/8, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman kiêm Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẵn sàng giảm sản lượng để điều chỉnh đà giảm giá dầu gần đây do thanh khoản thị trường kỳ hạn thấp và những lo ngại về tình hình kinh tế vĩ mô.

Saudi Arabia vốn là nhà sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC+ (OPEC cùng các nước đồng minh) và được cho là nước đóng vai trò quan trọng nhất trong liên minh 23 quốc gia này.

"Với cơ chế hiện tại, OPEC+ có sự cam kết, linh hoạt và công cụ để giải quyết mọi thách thức, kể cả là giảm sản xuất bất kỳ lúc nào", Hoàng tử Salman cho biết thêm.

Giá dầu đã tăng nhẹ trong phiên 23/8 sau tuyên bố của ông Salman. Tại thị trường London, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 32 cent lên 96,80 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tăng 37 cent lên 90,73 USD/thùng.

Hiện châu Âu đang phải tiếp tục đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng do các hư hại trong hệ thống đường ống dẫn dầu từ Kazakhstan qua Nga.

Theo CPC, liên doanh quản lý đường ống vận chuyển khoảng 1% lượng dầu toàn cầu và có cổ đông lớn nhất là công ty Transneft của Nga, hoạt động nạp dầu tại 2 trong 3 điểm neo tại một trạm ở Biển Đen đã bị ngưng trệ.

Phía công ty đã lên kế hoạch thay thế các bộ phận trên hai điểm neo đó và đang tìm kiếm một tổ chức để thực hiện công việc. Tập đoàn không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho việc bảo trì này.

Trước đó, hồi tháng 6, giá dầu đã vượt ngưỡng kháng cự tâm lý 120 USD/thùng, trong bối cảnh nhu cầu tăng cao sau một thời gian dài sụt giảm vì Covid-19. Bên cạnh đó căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine kéo theo một loạt lệnh cấm vận từ phương Tây cũng tác động mạnh mẽ tới giá dầu.

Tuy nhiên, trong vòng 2 tuần trở lại dây, giá dầu quay đầu đi xuống do nguồn cung tăng lên và nỗi lo về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, ngày 3/8, OPEC và các đồng minh trong đó có Nga, còn được gọi là OPEC+, đã nhất trí tăng nhẹ sản lượng khai thác thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9.

Dù đây là mức tăng sản lượng nhỏ nhất trên cơ sở phần trăm trong lịch sử của OPEC, nhưng vẫn khiến cho lực bán gia tăng trên thị trường và khiến giá dầu giảm.

Hơn thế nữa, việc Mỹ và Iran thúc đẩy việc hàn gắn thỏa thuận hạt nhân cũng gây sức ép lên giá dầu. Theo MXV, nếu hai nước này đàm phán thành công, nguồn cung dầu cho thị trường sẽ được tăng thêm khoảng gần 1 triệu thùng dầu/ngày, và giá các sản phẩm năng lượng nhiều khả năng sẽ giảm sau đó.

Xem thêm >> Bị Nga ngắt khí đốt vì không thanh toán bằng ruble, Bulgaria muốn nối lại đàm phán

Tin mới lên