Ngân hàng

SCB: Lợi nhuận gần 39 tỷ đồng trong quý I/2020 đến từ đâu?

(VNF) - Hạch toán thu nhập lãi thuần cao giúp SCB có nguồn để tăng mạnh lượng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

SCB: Lợi nhuận gần 39 tỷ đồng trong quý I/2020 đến từ đâu?

SCB: Lợi nhuận gần 39 tỷ đồng trong quý I/2020 đến từ đâu?

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020.

Theo báo cáo, quý vừa qua, hoạt động tín dụng đem về cho SCB 1.149 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, gấp... 24 lần cùng kỳ năm ngoái.

Trên thực tế, do đang trong giai đoạn tái cơ cấu, áp lực chi phí vốn cũng như áp lực thoái lãi dự thu còn lớn nên trong nhiều quý cũng như nhiều năm qua, mảng tín dụng thường xuyên đem về cho SCB lượng thu nhập lãi thuần khá thấp.

Tuy nhiên, việc thu nhập lãi thuần cải thiện ấn tượng về mặt con số trong quý vừa qua cũng không có gì là lạ bởi đổi lại, các khoản lãi, phí phải thu của ngân hàng này đã tăng tới trên 8.500 tỷ đồng (lên trên 61.400 tỷ đồng), là tín hiệu cho thấy lãi dự thu đã tăng rất mạnh. Đối chiếu sang bảng dòng tiền, mặc dù ghi nhận thu nhập lãi thuần 1.149 tỷ đồng nhưng dòng tiền thuần thu về không những không dương mà còn âm (-) tới trên 5.800 tỷ đồng.

Dù sao thì về mặt sổ sách, mức thu nhập lãi thuần khá như trên cũng giúp SCB có thêm nguồn để tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong bối cảnh hệ lụy từ dịch Covid-19 còn khó lường.

Đối với các hoạt động phi tín dụng, trong quý I/2020, lãi thuần đem về chỉ đạt 333 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái; trong đó, tất cả các hoạt động như dịch vụ, ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư, mua bán chứng khoán kinh doanh, các hoạt động khác đều suy giảm lãi thuần, thậm chí ghi nhận lỗ thuần.

Chốt quý, tổng thu nhập hoạt động của SCB đạt 1.483 tỷ đồng, tăng trưởng 87%. Sau khi trừ đi chi phí hoạt động, lợi nhuận trước dự phòng đạt 692 tỷ đồng, tăng gấp 5,7 lần.

Lợi nhuận cao so với cùng kỳ năm ngoái, ngân hàng này cũng tăng mạnh lượng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên gấp 29 lần, đạt 653 tỷ đồng. Do đó, kết thúc quý I/2020, lợi nhuận trước thuế của SCB chỉ còn gần 39 tỷ đồng, giảm 61%.

Tính đến hết ngày 31/3/2020, tổng tài sản của SCB đạt trên 580.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay chiếm 59%; các khoản phải thu chiếm 14%; lãi, phí phải thu chiếm 11%.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức chỉ 0,57%. Tuy nhiên nếu tính cả nợ xấu tại VAMC thì tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 7%.

Tin mới lên