Thị trường

SCTV tố Viettel, VNPT, FPT ‘lấy dịch vụ viễn thông đè dịch vụ truyền thông’

(VNF) - Lãnh đạo Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) nói đơn vị này đang gặp khó khăn do bị các ông lớn Viettel, VNPT, FPT cạnh tranh không lành mạnh.

SCTV tố Viettel, VNPT, FPT ‘lấy dịch vụ viễn thông đè dịch vụ truyền thông’

Truyền hình trả tiền đang là lĩnh vực chứng kiến cạnh tranh gay gắt. Minh họa: Họa sỹ Khều

Các doanh nghiệp viễn thông lớn đang tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền với nhiều ưu đãi khủng. Điều này đang gây khó khăn lớn cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. 

Từ phá giá…

Ông Lương Quốc Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) thừa nhận, đơn vị này đang gặp khó khăn do bị các ông lớn Viettel, VNPT, FPT lấn sân sang dịch vụ truyền hình trả tiền và cạnh tranh không lành mạnh khi liên tục hạ giá thuê bao.

Cụ thể, giá thuê bao các đơn vị này hiện chỉ còn 40.000 - 50.000 đồng/thuê bao/tháng; trong khi mức giá này của SCTV là 80.000 - 120.000 đồng/thuê bao/tháng. 

Các doanh nghiệp này còn áp dụng nhiều hình thức giảm giá khác như tăng thêm tháng sử dụng khi đóng trước cước thuê bao, khuyến mãi 40 - 50% cước phí hàng tháng; thậm chí lắp đặt đường truyền Internet sẽ được miễn phí thuê bao truyền hình cáp từ 1-2 năm và đang triển khai trên tất cả các tỉnh, thành trên cả nước.

Tại An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai… có doanh nghiệp cung cấp đã đưa ra chính sách nếu hộ gia đình lắp đặt đường truyền internet cáp quang 8Mbps với giá cước 165.000 đồng/tháng sẽ được miễn phí thuê bao truyền hình cáp. 

Nói về sự cạnh tranh không lành mạnh này, ông Huy cho rằng sở dĩ các doanh nghiệp viễn thông lớn trên có thể giảm mạnh giá thành truyền hình cáp các đơn vị này lấy doanh thu từ dịch vụ viễn thông để bù sang cho dịch vụ truyền thông. 

Bên cạnh đó, các đơn vị này còn được hưởng đặc quyền, đặc lợi, chẳng hạn một số doanh nghiệp được hưởng quyền lợi giảm 50 - 70% giá thuê trụ điện, thậm chí được miễn phí thuê trụ điện vài chục năm.

Trong khi đó, chi phi thuê trụ điện chiếm 15 - 20% doanh thu của dịch vụ truyền hình trả tiền. Phí thuê trụ điện hạ thế là 17.000 đồng/tháng, cao thế là 50.000 đồng/tháng. Năm 2014, SCTV phải trả tiền thuê trụ điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam hơn 300 tỷ đồng. 

Đặc biệt hơn, "một số doanh nghiệp còn được hưởng quyền kéo cáp triển khai mạng cung cấp dịch vụ tại một số địa bàn, nhưng khi các doanh nghiệp khác xin phép lại không được địa phương chấp thuận", ông Huy nói. 

… đến cạnh tranh không lành mạnh

Vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường truyền hình trả tiền không chỉ là phá giá mà còn phát sóng các kênh, chương trình của doanh nghiệp nhưng không xin phép. Việc này ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp vì đơn vị đã đầu tư chi phí lớn để sản xuất và phát sóng các kênh theo nội dung chuyên biệt, phù hợp với mọi lứa tuổi và vùng miền.

Chính vì nội dung đặc sắc, chất lượng khác biệt đã thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ trả tiền của doanh nghiệp. Nếu các kênh này bị lấy phát sóng đại trà từ nhà mạng khác mà không xin phép và do không tốn chi phí sản xuất nên giá thuê bao có thể rẻ hơn, dẫn đến doanh nghiệp bị mất khách hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và doanh thu của doanh nghiệp.

"Thực tế, việc vi phạm bản quyền truyền hình ở Việt Nam rất lớn, bằng mọi hình thức. Chỉ cần che logo của doanh nghiệp rồi đưa lên Youtube hoặc các kênh internet khác, nội dung chương trình đã trở thành kênh của đơn vị khác", ông Huy nói. 

Vẫn theo đại diện này, hiện tượng cắt cáp xảy ra tương đối phổ biến, theo đó khi cáp bị cắt gây mất tín hiệu, khách hàng đã khiếu kiện, thanh lý dịch vụ vì cho rằng chất lượng không tốt và điều này ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp.

Tại Hà Nội, do phải thuê chung trụ điện nên khi có đơn vị mới triển khai hạ tầng, dây thuê bao, dây cáp của các đơn vị cũ thường đột nhiên bị gãy, hỏng hoặc cáp quang bị đóng đinh làm mất tín hiệu. Đây là một trong những vấn đề khiến doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực truyền hình trả tiền phải đau đầu tìm biện pháp chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các đơn vị mới tham gia thị trường.

Để thị trường truyền hình trả tiền cạnh tranh lành mạnh, một chuyên gia lĩnh vực này cho rằng cần nhanh chóng đưa ra mức giá sàn thuê bao các dịch vụ truyền hình trả tiền và internet băng thông rộng cố định. Cụ thể là 72.000 đồng/thuê bao/tháng đối với dịch vụ trên 60 kênh truyền hình; 60.000 đồng/thuê bao/tháng đối với dịch vụ từ 35-40 kênh truyền hình. 

Đồng thời, cần quy định chặt chẽ việc khuyến mãi trong gói dịch vụ tích hợp trên 1 đường cáp đến nhà khách hàng để tránh hiện tượng lắp dịch vụ này sẽ được miễn phí dịch vụ kia trong gói tích hợp cung cấp cho khách hàng.

Ngoài ra, cần xử lý nghiêm các vi phạm trong triển khai dịch vụ tại các địa bàn chưa được cấp phép hoặc triển khai dịch vụ không đúng trong giấy phép được cấp. Ví dụ, giấy phép được cấp triển khai truyền hình kỹ thuật số nhưng doanh nghiệp vẫn triển khai truyền hình cáp tương tự (analog). 

Đến nay, cả nước có gần 7 triệu thuê bao truyền hình trả trước. Trong lúc con số này vào năm 2011 là 3 triệu. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh sẽ gây thất thoát thuế của nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng. Bởi sau khi chiếm lĩnh thị trường, các đơn vị thống lĩnh thường tăng giá thuê bao và không nâng cao được dịch vụ trong tương lai.  

Tin mới lên