Tiêu điểm

Sẽ có nghị định về cơ chế tài chính riêng cho 'đầu tàu' TP. HCM

(VNF) - Theo kế hoạch, đầu tuần sau Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ có phiên họp bàn về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Sẽ có nghị định về cơ chế tài chính riêng cho 'đầu tàu' TP. HCM

Tại phiên họp này, dự kiến Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trình bày tờ trình trước khi Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra và Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận.

Cơ chế chính sách tài chính cho TP. HCM là một nội dung được quan tâm đặc biệt trong thời gian gần đây, trong bối cảnh ngân sách quốc gia khó khăn.

Cuối năm 2016, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương 2017, trong đó chốt tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP HCM là 18%, thay cho tỷ lệ 23% đã được áp dụng trước đó.

Nghị quyết đã được thông qua mặc dù các đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM đã có ý kiến về việc không nên giảm đột ngột tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại của thành phố vì "thành phố đã cắt giảm chi tiêu rất nhiều, không còn chỗ để cắt giảm nữa".

Trong một diễn biến liên quan, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nói việc phần ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ 23% xuống 18% "sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội".

Theo ông Thăng, tỷ lệ 5% đối với TPHCM là số tiền không nhỏ và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội TP. Tuy nhiên, TPHCM cũng có các giải pháp khắc phục khó khăn để thực hiện 7 chương trình đột phá của thành phố.

"TPHCM sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các nguồn vốn trong nước, ngoài nước, trong nhân dân; thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư như BT, BOT… Ngoài ra, chúng ta sẽ đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập như bệnh viện, trường học, các dịch vụ công… Những việc gì mà doanh nghiệp, xã hội làm được thì Nhà nước không làm mà chỉ kiểm tra kiểm soát theo quy chuẩn, tiêu chuẩn", ông Thăng nói.

Về ngân sách năm 2017, Bí thư Đinh La Thăng cho biết dự kiến năm 2017 Chính phủ sẽ giao cho TP.HCM phải thu 369.000 tỷ đồng, tức hơn 1.000 tỷ/ngày. Do đó, thành phố "rất cần một cơ chế đột phá để phát triển mạnh hơn, nhanh hơn để đóng góp cho Trung ương nhiều hơn, nhưng đồng thời TP cũng có được khoản tiền để lại nhiều hơn để đầu tư trở lại cho hạ tầng, cho nguồn thu bền vững".

Năm ngoái, Bí thư Đinh La Thăng cũng từng đề cập đến "cơ chế riêng để phát triển TP. HCM" theo đó cho rằng "cần điều hành trên phương diện kỹ trị và không thể căn cứ vào ý chí chủ quan của nhà chính trị".

Bí thư Đinh La Thăng cho hay theo Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị năm 2012 cho phép các bộ ngành chủ động xây dựng các cơ chế đặc thù để phát triển thành phố. "Khi xây dựng cơ chế không chỉ là chuyện giữ lại bao nhiêu phần trăm ngân sách, theo hướng đó là thất bại mà phải là có cơ chế làm sao có được ngân sách nhiều hơn, để tỷ lệ phần trăm không đổi nhưng con số tuyệt đối phải tăng lên. Như thế Nhà nước cũng được nhiều hơn, thành phố cũng có nhiều tiền hơn, thì mới có điều kiện tái đầu tư phát triển", ông nói.

Tin mới lên