Bất động sản

'Sẽ GPMB 90-120m chiều ngang toàn tuyến vành đai 4, đưa đường sắt quốc gia ra khỏi nội đô'

(VNF) - Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa cho biết thành phố sẽ giải phóng mặt bằng toàn tuyến vành đai 4 từ 90-120m chiều ngang, đồng thời đưa đường sắt quốc gia ra khỏi nội đô, chuyển tuyến đường sắt từ Yên Viên đến ga Hà Nội hiện nay thành tuyến đường sắt đô thị.

'Sẽ GPMB 90-120m chiều ngang toàn tuyến vành đai 4, đưa đường sắt quốc gia ra khỏi nội đô'

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 27/6.

Sáng 27/6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có buổi tiếp xúc với các cử tri huyện Đông Anh, quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV.

Đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 3, trong đó có việc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, tại buổi tiếp xúc, các cử tri mong muốn dự án trọng điểm quốc gia này sớm được triển khai với tinh thần mẫu mực, chất lượng, hiệu quả, không có tham nhũng tiêu cực để các công trình khác noi theo. 

Tiếp thu ý kiến của các cử tri, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết vành đai 4 là dự án đặc biệt quan trọng với Thủ đô, không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư nội đô, giúp giải bài toán mất cân đối, quá tải hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

"Thành phố sẽ họp ngay trong chiều nay để triển khai thực hiện ngay, xác định lộ trình, phân công nhiệm vụ", ông Đinh Tiến Dũng cho hay.

Nhấn mạnh ý kiến cử tri yêu cầu dự án vành đai 4 phải được thực hiện một cách mẫu mực, Bí thư Hà Nội khẳng định thành phố đã thực hiện khâu chuẩn bị đầu tư một cách mẫu mực; tới đây, quyết tâm để khâu tổ chức thực hiện cũng phải thật mẫu mực.

"Thành phố sẽ giải phóng mặt bằng toàn tuyến từ 90-120m chiều ngang, đồng thời đưa đường sắt quốc gia ra khỏi nội đô, chuyển tuyến đường sắt từ Yên Viên đến ga Hà Nội hiện nay thành tuyến đường sắt đô thị", ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Đề cập đến về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước, thành phố thời gian qua, cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, tăng trưởng kinh tế Thủ đô đã có sự phục hồi mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội ước tính tăng 7,79%, trong đó, riêng quý II tăng tới 9,49%.

Theo đó, ông Đinh Tiến Dũng đã đề nghị cán bộ, cử tri và nhân dân các quận, huyện, trong đó, có quận Hoàn Kiếm, Long Biên, huyện Đông Anh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết; quyết tâm đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển năm 2022; phối hợp thực hiện hiệu quả các chủ trương lớn của thành phố, nhất là đầu tư tập trung tạo bước đột phá về giáo dục, y tế, văn hoá; triển khai hiệu quả việc tiêm mũi 4 vắc xin phòng, chống Covid-19 và phòng, chống các dịch bệnh khác...  

Đối với huyện Đông Anh, cùng với quyết tâm lên quận, Bí thư Hà Nội yêu cầu huyện phải tư duy trở thành phố tương lai để triển khai đầu tư một cách bài bản, căn cơ, tức là phải bắt đầu từ quy hoạch, bảo đảm liên thông khi trở thành thành phố phía Bắc. 

Ngoài ra, ông Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị các địa phương tập trung rà soát, thực hiện nghiêm nghị quyết của HĐND thành phố về thu hồi các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ theo quy định; khai thác hiệu quả, từng bước khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực từ đất.

Được biết, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội dài khoảng 112,8km, chia thành 7 dự án thành phần. Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

Nhu cầu sử dụng đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo đó, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 816ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258ha, đất dân cư khoảng 58ha và đất khác khoảng 209ha. Quốc hội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Tin mới lên