Tài chính quốc tế

Sẽ là một năm khó khăn cho chiến lược đầu tư tiền tệ 'Carry Trade'?

(VNF) - Một trong những chiến lược đầu tư phổ biến nhất trên thị trường ngoại hối, Carry Trade (kinh doanh tiền tệ chênh lệch lãi suất) đã có một năm đầy khó khăn. Triển vọng trong thời gian tới cho việc sử dụng chiến lược này cũng không mấy sáng sủa.

Sẽ là một năm khó khăn cho chiến lược đầu tư tiền tệ 'Carry Trade'?

Sẽ là một năm khó khăn cho chiến lược đầu tư tiền tệ 'Carry Trade'?

"Carry trade" là một hình thức đầu tư trong kinh doanh ngoại hối nhằm khai thác sự chênh lệch lãi suất của các loại tiền tệ trong những nền kinh tế khác nhau. Nhà đầu tư sẽ bán một ngoại tệ cụ thể có tỷ suất cho vay tương đối thấp và dùng số tiền thu được để mua một loại ngoại tệ khác có lãi suất tương đối cao.

Chiến lược Carry Trade đã có quý thứ tư liên tiếp bị lỗ mặc dù tỷ giá hối đoái trong ba tháng qua khá "yên bình".

Đối với các nhà phân tích, tiềm năng về một sự gia tăng biến động trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu đang tăng lên cho thấy không có nhiều hy vọng cho sự hồi phục của chiến lược này.

Marc Chandler, nhà chiến lược của Brown Brothers Harriman & Co. cho biết: "Mặc dù sự khác biệt về lãi suất là rất lớn, nhưng các đồng tiền tệ không giảm mấy trong thời gian qua".

Việc đồng Yên tăng mạnh là nguyên nhân chính cho hoạt động yếu kém của chiến lược Carry Trade trong quý này. Ngay cả với sự trượt giá vào hôm thứ tư, đồng tiền này cũng đã tăng hơn 6% kể từ đầu năm giữa những bất ổn về thị trường chứng khoán toàn cầu và vụ bê bối chính trị trong nước của Nhật Bản.

JPMorgan Chase & Co. đo lường được mức dao động giá của các loại tiền tệ trung bình chỉ là 7,90% trong ba tháng qua, so với 8,44% năm ngoái và 10,61% vào năm 2016. Gần đây, căng thẳng thương mại leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đe dọa sẽ phá vỡ sự trầm lắng của thị trường hối đoái, có khả năng nuốt chửng sự chênh lệch lãi suất mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư sử dụng chiến lược Carry Trade.

Sireen Harajli, chuyên gia chiến lược ngoại hối tại Mizuho Bank Ltd, cho biết: "Việc sử dụng chiến lược Carry Trade với đồng Yên đã gặp nhiều áp lực trong thời gian gần đây do sự tăng giá nhanh chóng của đồng tiền này".

Chỉ số theo dõi giao dịch Carry Trade của Deutsche Bank AG cho thấy lợi nhuận đã giảm 0,8% so với năm trước, kém hơn các chiến lược khác như mua bán dựa trên giá trị tương quan hay dựa trên xu hướng.

Theo Bob Savage, giám đốc điều hành của Track Research, sự tăng giá của đồng franc Thụy Sĩ cũng góp phần vào sự sụt giảm của chiến lược này.

"Chiến lược này không hẳn là đã hoàn toàn kết thúc, tuy nhiên, đây sẽ là một thời điểm khó khăn", ông Savage cho biết.

Theo đánh giá của Mark McCormick, người đứng đầu chiến lược ngoại hối tại Bắc Mỹ của ngân hàng Toronto-Dominion, khả năng lãi suất cao hơn ở các nền kinh tế phát triển khi Ngân hàng Trung ương đang nỗ lực giảm bớt những kích thích lên nền kinh tế sau khủng hoảng sẽ làm giảm sức hấp dẫn của chiến lược Carry Trade.

>>> Xem thêm: Tin forex mới nhất 2018

Tin mới lên