Ngân hàng

SeABank kỳ vọng lãi trước thuế tăng trên 39%, nâng vốn điều lệ lên 15.328 tỷ đồng

(VNF) - Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HoSE: SSB) vừa công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2021 với lợi nhuận mục tiêu cao kỷ lục.

SeABank kỳ vọng lãi trước thuế tăng trên 39%, nâng vốn điều lệ lên 15.328 tỷ đồng

SeABank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng trên 39%

SeABank dự kiến tổng tài sản năm 2021 đạt 198.229 tỷ đồng, tăng 10% so với giá trị năm 2020. Huy động tiền gửi của khách hàng kế hoạch đạt 124.277 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách đạt 122.978 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng ở mức 9,7% và 13%. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì dưới 3%.

SeABank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2021 thu về 2.414 tỷ đồng, tăng 39,6% so với mức thực hiện năm 2020 và cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục mà ngân hàng này chưa từng ghi nhận trong lịch sử hoạt động.

Về phương án phân phối lợi nhuận, HĐQT SeABank đề xuất sử dụng phần lợi nhuận còn lại chưa phân phối năm 2020 sau khi đã trích lập các quỹ để chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

HĐQT trình đại hội xem xét ủy quyền quyết định cho HĐQT về mức cổ tức, thời điểm chia cổ tức và các nội dung khác liên quan. Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2021 không được đề cập đến trong tài liệu ĐHCĐ thường niên mà SeABank công bố.

Theo tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động và thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần của SeABank, ban lãnh đạo ngân hàng này đề xuất thay đổi vốn điều lệ thành 15.328 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ tại thời điểm đầu năm 2021 là hơn 3.200 tỷ đồng. Việc thay đổi này chỉ được thực hiện sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sửa đổi, bổ sung mức vốn điều lệ trên Giấy phép hoạt động của SeABank.

Hiện SeABank chưa công bố tờ trình về việc tăng vốn điều lệ. Theo mức vốn mới mà ngân hàng này dự kiến sửa đổi ở nội dung đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần, số cổ phiếu mà SeABank phải phát hành tương ứng là hơn 324 triệu đơn vị.

Được biết, trong năm 2020, SeABank đã tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ đồng lên 12.087 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 131 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông và chào bán thành công hơn 140 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Tổng số cổ phiếu của SeABank sau khi tăng vốn điều lệ lên 12.087 tỷ đồng là 1,2 tỷ đơn vị. Số cổ phiếu này đã chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM từ ngày 24/3 vừa qua với giá tham chiếu là 16.800 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa hơn 20.306 tỷ đồng.

SSB đã tăng kịch trần 20% ngay trong phiên chào sàn và hiện đang giao dịch ở mức 28.050 đồng/cổ phiếu (giá mở cửa phiên 5/4/2021). Giá trị vốn hóa thị trường ước tính hơn 33.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, ban lãnh đạo ngân hàng này cũng kiến nghị đại hội thông qua tờ trình về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa.

Được biết, Điều 30 Điều lệ của SeABank về tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện chưa có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa. Phía SeABank đề xuất bổ sung thêm khoản 5, quy định tỷ lệ sở hữu tối đa nước ngoài là 0%, đồng thời giao và ủy quyền cho HĐQT quyết định thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa để đảm bảo phù hợp với diễn biến của thị trường và không vượt quá tỷ lệ theo quy định của pháp luật.

SeABank mới đây đã tiết lộ kết quả kinh doanh quý I/2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 698,3 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tiền gửi khách hàng ước đạt 115.190 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 111.050 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,8% và tăng 14,3%.

Tính đến ngày 31/3/2021, tổng tài sản của SeABank ước đạt 184.302 tỷ đồng, tăng 24% so với thời điểm đầu năm.

Tin mới lên