Diễn đàn VNF

Sếp Hanel: 'Hợp đồng vô hiệu thì rất khó xử lý tài sản thế chấp'

(VNF) - Tham gia thảo luận về vấn đề nợ xấu tại Quốc hội chiều 12/6, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), Chủ tịch HĐQT Hanel nói trong quá trình xử lý tài sản thế chấp cần làm rõ hợp đồng có còn hiệu lực hay không.

Sếp Hanel: 'Hợp đồng vô hiệu thì rất khó xử lý tài sản thế chấp'

Theo ông Bình, việc xử lý tín dụng để thu giữ tài sản khi thế chấp là một việc cần thiết để tạo điều kiện hoạt động lành mạnh tín dụng cho ngân hàng và đảm bảo quyền lợi của nhà nước. 

Tuy nhiên, nếu mọi hợp đồng chúng ta chỉ căn cứ vào hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên và mọi hợp đồng chúng ta đều thu giữ thì việc này rất phức tạp và chưa hợp lý. 

"Phải xác định hợp đồng đấy có hiệu lực hay không, có hợp đồng chúng ta chưa có báo cáo thực tế nhưng thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp là hợp đồng vô hiệu. Nếu hợp đồng vô hiệu mà chúng ta là một bên thu giữ tài sản thì tôi e rằng không đảm bảo về mặt pháp luật", ông Bình nói.

Đại biểu doanh nhân cũng dẫn chứng rằng thực tế ở Hà Nội xảy ra một trường hợp một doanh nghiệp đã được nhà nước giao đất và trong hợp đồng giao đất đấy được phép mang góp vốn liên doanh, nhưng khi hoạt động thua lỗ, phá sản thì nhà nước thu lại đất. 

Với một hợp đồng như vậy, nhưng ngân  hàng vẫn ký vẫn cho vay bảo lãnh tín dụng và đúng doanh nghiệp liên doanh đấy phá sản. Sau này ngân hàng cứ yêu cầu chính quyền thành phố phải trả bằng được tài sản đấy nhưng doanh nghiệp yêu cầu đưa ra tòa, khi hỏi ý kiến thì tòa bảo hợp đồng này vô hiệu.

"Chúng tôi khuyên một số doanh nghiệp nên đưa ra tòa án để lấy tài sản nhưng ngân hàng nhất định không đưa, 10 năm rồi cũng không đưa ra tòa. Bởi vì, đưa ra tòa hợp đồng vô hiệu không thể lấy tài sản được, nếu quy định như vậy thì xảy ra rất nhiều trường hợp là hợp đồng vô hiệu và ảnh hưởng đến quyền lợi của người mang thế chấp", ông Bình nói.

Chính vì vậy, vấn đề là nếu xác định hợp đồng có hiệu lực mới được thi hành thì ai sẽ là cơ quan xác định hợp đồng đấy có hiệu lực. "Chúng ta nên cân nhắc việc này xảy ra trong thực tiễn rất nhiều", ông Bình kết luận. 

Ông Nguyễn Quốc Bình sinh năm 1959 tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Tốt nghiệp trung học phổ thông, ông chuyển sang học tập tại Đại học quân sự.

Sau khi ra trường, ông nhận quyết định về công tác tại Bộ Tư lệnh phòng không, biên chế tại sư đoàn 377, trung đoàn 274. Năm 1987, sau gần mười năm gắn bó với quân ngũ, ông Bình được điều chuyển về công tác tại phòng kinh tế, công ty Hanel.

Năm 2003, ông Bình được đề bạt làm Phó Giám đốc, 3 năm sau được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc. Và từ tháng 6/2007, ông chính thức đảm đương chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc công ty.

Tin mới lên