Nhân vật

Sếp Metropole: 'Cần nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch'

(VNF) - Trao đổi với Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, bà Phạm Thùy Linh, Phó TGĐ Công ty TNHH Liên doanh thống nhất Metropole cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam cần có nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng dịch vụ cho ngành du lịch.

Sếp Metropole: 'Cần nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch'

Bà Phạm Thùy Linh, Phó TGĐ Công ty TNHH Liên doanh thống nhất Metropole

“Trong thời gian tới, những yếu tố sau đây sẽ hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại du lịch một cách hiệu quả. Thứ nhất. truyền bá thông điệp rõ ràng về các chính sách du lịch nội địa và các điều kiện nhập cảnh tới Việt Nam. Cần sử dụng các cơ quan, đơn vị truyền thông đa quốc gia để truyền tải thông điệp một cách rõ ràng và nhanh chóng. Đồng thời, đảm bảo cho Tổng cục Du lịch và các đơn vị du lịch có các nguồn lực cần thiết để quảng bá thông điệp mở cửa du lịch tới các điểm đến trong khu vực.

Chúng ta cần có sự chuẩn bị sẵn các yêu cầu về bảo hiểm y tế/du lịch tại các điểm đến để hỗ trợ những du khách không có đủ điều kiện bảo hiểm bắt buộc tại nước sở tại; áp dụng mở rộng việc miễn thị thực nếu có thể và đảm bảo đủ nguồn lực cho cổng thông tin xin thị thực trực tuyến; thực thi hợp lý các yêu cầu phòng chống dịch 5K và đảm bảo truyền bá thông điệp “du lịch an toàn” bên cạnh các chính sách hỗ trợ du lịch trong nước…

Đồng thời, cần tìm cách hỗ trợ các tổ chức du lịch mở cửa trở lại với khoản vay với chi phí thấp (có trợ cấp) để tái khởi động thành công một số hoạt động kinh doanh; hỗ trợ các đơn vị du lịch (bao gồm khách sạn) tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới – trong thời điểm dịch bệnh, nhiều nhân viên đã lựa chọn chuyển ngành nghề nên việc thiếu hụt nhân lực có trình độ hiện đang là một thách thức lớn; đảm bảo chất lượng dịch vụ được diễn ra như trước thời điểm xảy ra đại dịch.

Mở cửa lại cũng là cơ hội tái cơ cấu ngành du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả hơn trong tương lai. Để phát triển bền vững, chúng ta cần cung cấp các ưu đãi (thuế, giải thưởng, trợ cấp hoặc các hình thức hỗ trợ khác) cho các khách sạn và doanh nghiệp có áp dụng các chương trình phát triển bền vững hợp pháp (ví dụ như chương trình Planet21 của tập đoàn Accor).

Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt việc quy hoạch thành phố và phát triển khách sạn, cơ sở du lịch ở nhiều địa điểm khác nhau (Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Đà Nẵng…), từ đó giảm thiểu tình trạng vượt nguồn cung và sản phẩm kém.

Việt Nam cũng cần cấm sử dụng túi ni lông ở Việt Nam và có hoạt động quảng bá về quy định này. Đồng thời giảm dần việc phụ thuộc vào nhựa sử dụng một lần bằng cách hợp tác với ngành công nghiệp thực phẩm. Xây dựng hoặc phát triển các nhà máy tái chế lon/nhựa…hiệu quả hơn và áp dụng sử dụng thực phẩm phế thải để chế biến thức ăn gia súc ở các thành phố lớn.

Ngoài ra, cần kiểm soát số lượng và chất lượng tàu thuyền ở vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ; cung cấp các ưu đãi về tài chính cho các công ty có thể đáp ứng mục tiêu tiêu thụ năng lượng và nước thấp hơn tiêu chuẩn đã đề ra.

Về chính sách, với mục tiêu kiểm soát chất lượng và số lượng sản phẩm, cần đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng một số tiêu chuẩn quốc tế nhất định và không làm bão hòa thị trường. Ngoài ra, cần chú trọng đảm bảo rằng việc cấp phép xếp hạng chất lượng là chính xác và dựa trên các tiêu chí nghiêm ngặt. Cân nhắc việc lựa chọn các loại vật liệu xây dựng và phê duyệt thiết kế cho các sản phẩm nghỉ dưỡng để góp phần mang tới các giá trị văn hoá cho các địa điểm khách sạn và cơ sở vật chất nhưng đồng thời tiết kiệm chi phí, giảm thiểu lượng khí thải carbon và thân thiện với môi trường tự nhiên.

Chúng ta cần quảng bá các khóa học tại đại học và các chương trình cấp bằng về ngành dịch vụ khách sạn để nâng cao “yếu tố uy tín” của lĩnh vực ẩm thực – một phần thiết yếu của trải nghiệm du lịch – cũng như ngành khách sạn nói chung.

Chúng ta cũng cần kéo dài thời hạn hiệu lực của thị thực lên tối thiểu 30 ngày và việc nhập cảnh nhiều lần tại các quốc gia lân cận (Lào, Campuchia, Thái Lan), từ đó hỗ trợ thúc đẩy ngành du lịch.

Để đón đầu thị trường du lịch trong giai đoạn mới, Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi đã thực hiện một số hoạt động chuẩn bị. Thứ nhất là hoàn thành kế hoạch tái khởi động thị trường quốc tế từ đầu tháng 12/2021 với dự kiến mở cửa thị trường du lịch vào quý I/2022. Kế hoạch đã được hoàn thành vào tháng 1/2022 và khách sạn đã tiến hành thực hiện vào cuối tháng 2/2022. Điều này đòi hỏi việc tái kết nối các công ty quốc tế hàng đầu liên quan đến MICE và du lịch để đảm bảo chúng tôi có danh sách đầu mối liên hệ phù hợp và các chính sách về giá cả và hợp đồng là chính xác.

Thứ hai là khách sạn đã có các hoạt động tăng cường nhân viên toàn diện để đảm bảo nguồn nhân lực cho đợt tái khởi động và tăng trưởng nhu cầu tiếp theo.

Thứ ba là triển khai kế hoạch tái hoà nhập du lịch quốc tế bằng việc kết nối với các công ty du lịch và tập đoàn đã được triển khai.

Thứ tư là tập đoàn quản lý Accor đã có sự chuẩn bị và giới thiệu quảng bá chương trình ưu đãi đặc biệt có giá trị đến hết năm 2022 mang tên “Vì tình yêu với Việt Nam” (“For the love of breathtaking Vietnam”)

Đồng thời, khách sạn cũng có kế hoạch tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo đạt và vượt các tiêu chuẩn chất lượng phục vụ. Nhà hàng Le Beaulieu và La Terrasse mang phong cách Pháp sẽ được mở cửa vào tháng 4 sau quá trình cải tạo toàn bộ và nâng cấp. Dịch vụ spa tại Le Spa cũng đã được tân trang lại để đón chào sự tái xuất của thị trường quốc tế. Các hoạt động và chính sách phòng ngừa dịch bệnh đã được triển khai để chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa thị trường chào đón khách quốc tế sắp diễn ra”.

Tin mới lên