“Trong khi nhiều doanh nghiệp khách sạn phải tạm đóng cửa, Mường Thanh vẫn cố gắng hoạt động để giữ chân nguồn lao động có kinh nghiệm, được đào tạo bấy lâu nay. Để nói tăng trưởng hay kinh doanh có lãi trong thời gian gần 2 năm qua là điều không thể, vượt qua đại dịch là vô cùng tốt rồi”, ông Phạm Hồng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh, chia sẻ.

Chuỗi khách sạn Mường Thanh có mặt trên dải đất chữ S đã hơn 2 thập kỷ. Từ khách sạn đầu tiên được xây dựng vào năm 1997 tại tỉnh Điện Biên, Mường Thanh đã liên tục mở rộng để có hơn 60 khách sạn và dự án khách sạn trong và ngoài nước, trở thành doanh nghiệp có chuỗi khách sạn lớn nhất Việt Nam.

Trong gần 2 năm dịch bệnh, khách sạn là ngành nghề bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Mường Thanh cũng không phải ngoại lệ. Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, ông Phạm Hồng Dũng, Phó tổng giám đốc Mường Thanh, cho biết công suất phòng của các khách sạn giảm nghiêm trọng do nhu cầu đi lại du lịch, công tác sụt giảm.

Trước tình thế đó, từng khách sạn phải tự chuyển đổi và thích nghi theo hoàn cảnh riêng ở từng địa phương, từng giai đoạn. Song ở bình diện chiến lược chung của cả hệ thống, Mường Thanh vẫn nhất quán duy trì hoạt động của các khách sạn để trả lương cho nhân viên.

“Trên hết, chúng tôi mong muốn duy nhất một điều là giữ được nguồn lao động có kinh nghiệm, được đào tạo lâu nay. Hồi tháng 3/2020, chủ tịch tập đoàn Lê Thanh Thản từng nói sẽ song hành cùng người lao động, xác định no đói có nhau. Và đến nay, trải qua 4 làn sóng Covid-19, chúng tôi chưa bắt một nhân viên nào phải nghỉ việc cả dù công việc kinh doanh có thời điểm rất cam go”, ông Dũng bày tỏ và nhấn mạnh phương châm “no đói có nhau” vẫn còn nguyên hiệu lực, như một lời cam kết đối với gần 10.000 cán bộ, nhân viên của tập đoàn.

 

Cùng với thời điểm dịch bắt đầu bùng phát vào tháng 3/2020, Mường Thanh đã tiên phong trong việc chuyển đổi mô hình từ khách sạn thành cơ sở cách ly y tế. Theo ông Dũng, khi đó, có 4 tập đoàn lớn được kêu gọi để cùng thực hiện nhưng lúc đó có duy nhất Mường Thanh sẵn sàng. Chủ tịch Lê Thanh Thản thậm chí còn xác định trong trường hợp xấu nhất, Mường Thanh sẵn sàng bàn giao 6 khách sạn cho quân đội làm bệnh viện dã chiến.

Nằm ở quận Hà Đông, Mường Thanh Grand Xa La là khách sạn đầu tiên thực hiện chuyển đổi thành nơi cách ly phục vụ công tác chống dịch của Thủ đô từ thời điểm dịch mới diễn ra. Khách sạn này đã trở thành cơ sở cách ly cho các bác sỹ, cán bộ và nhân viên y tế khi bệnh viện Bạch Mai có ổ dịch.

Ngoài trở thành điểm cách ly tập trung, khách sạn đã sử dụng nguồn nhân lực có sẵn để chăm lo, bảo đảm từng bữa ăn giấc ngủ cho đoàn cán bộ, y bác sĩ. Toàn bộ chi phí dành cho đợt cách ly này lên tới gần 2,5 tỷ đồng, nhưng tập đoàn đã hỗ trợ toàn bộ cho thành phố.

Từ khách sạn đầu tiên này, Mường Thanh đã mở rộng quy mô khách sạn cách ly lên con số 28, tập trung ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hạ Long... Gần đây nhất, tập đoàn có thêm một khách sạn làm cơ sở cách ly là Mường Thanh Grand Hà Nội 4 sao, chủ yếu đón khách từ TP. HCM, khách nước ngoài ra Hà Nội công tác.

Theo ông Dũng, mỗi khách sạn sẽ dành khoảng 100 phòng làm điểm cách ly. Như vậy toàn hệ thống Mường Thanh có khoảng 2.800 phòng làm điểm cách ly. Tuy nhiên, chỉ có 18 khách sạn cách ly hoạt động liên tục, còn lại tương đối cầm chừng.

Việc chuyển đổi khách sạn thành điểm cách ly phần nào giải quyết được khó khăn trong đại dịch. “Song để nói tăng trưởng hay kinh doanh có lãi nhờ đi đầu chuyển đổi khách sạn thành nơi cách ly thì không có. Với ngành khách sạn, tồn tại và vượt qua thời gian gần 2 năm chống chọi với dịch là vô cùng tốt rồi”, vị phó tổng giám đốc của tập đoàn Mường Thanh chia sẻ.

Ông Dũng cũng cho biết trong bối cảnh bình thường mới, khi xã hội xác định “sống chung với virus”, Mường Thanh đã đưa ra nhiều kế hoạch cho giai đoạn cuối năm nay cũng như đầu năm 2022 tới.

Tuy vậy, mọi thứ vẫn chưa thể chắc chắn. “Dự kiến, cuối năm, chúng tôi sẽ tung ra nhiều chương trình ưu đãi. Khách du lịch quốc tế chưa có nên chúng tôi vẫn phải giữ vững trọng tâm đối với khách nội địa, bởi đây là xương sống của tập đoàn. Còn khi hết dịch, chắc chắn rằng chúng tôi phải có những chương trình tiếp thị, xúc tiến ở các thị trường truyền thống”, ông Dũng nói.

Nhận định về thị trường khách sạn từ nay đến hết năm, ông Dũng dùng từ “le lói”, như thứ ánh sáng ở cuối đường hầm. Dù yếu ớt, nhưng đó vẫn là ánh sáng. “Khách quốc tế sẽ trở lại Việt Nam để làm việc, kinh doanh. Chắc chắn cuối năm, lượng khách sẽ dồn vào các hoạt động giao thương, hội họp, hội nghị… Và cho dù thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lượng khách này cũng giúp chúng tôi bù đắp được phần nào thiệt hại trong năm nay”.