Ngân hàng

Sếp ngân hàng: Khi cuộc đời đi ngược cái tên

(VNF) – Nếu như cuộc đời ông Hà Văn Thắm chẳng thể "thắm" được như cái tên, thì ông Phạm Công Danh, người gây dựng công danh theo cách "đi mượn", cuối cùng cũng chẳng thể giữ được công danh.

Sếp ngân hàng: Khi cuộc đời đi ngược cái tên

Phạm Công Danh (trái) và Hà Văn Thắm (phải)

Hà Văn Thắm, cái tên lừng lẫy một thời trên thị trường tài chính – ngân hàng, giờ lại gắn liền với vòng lao lý. Cuộc đời ông Thắm, trớ trêu thay, lại chẳng "thắm" như cái tên.

Thời điểm tháng 9/2014, khi báo cáo "Billionaire Census 2014" của Wealth-X và ngân hàng Thụy Sĩ (UBS) được công bố, trong đó có đề cập đến 2 tỷ phú USD của Việt Nam với tổng tài sản khoảng 3 tỷ USD, giới tài chính – ngân hàng Việt Nam rộ lên tin đồn ông Hà Văn Thắm chính là tỷ phú USD thứ 2 tại Việt Nam sau ông Phạm Nhật Vượng.

Con đường danh vọng trước mắt nhuốm màu tươi thắm, nhưng hơn ai hết, ở thời điểm ấy, ông Thắm tự hiểu tình cảnh của mình chẳng khác nào bước đi trên băng mỏng.

Nói bước đi trên băng mỏng là bởi, năm 2011, khi NHNN có chỉ thị không chi lãi ngoài, số dư tiền gửi của OceanBank đã sụt giảm một mạch từ 12.000 tỷ đồng xuống còn 5.000 tỷ đồng, phần nào khiến ông Thắm ra quyết định tiếp tục chi lãi ngoài dù biết trái luật, nhằm tránh đổ vỡ thanh khoản.

Tất nhiên, để "có gan" duy trì việc chi lãi ngoài tại OceanBank suốt từ năm 2011 đến năm 2014, ngoài nguyên nhân do tình cảnh cấp bách, ông Hà Văn Thắm hẳn phải có niềm tin tương đối chắc chắn rằng hành vi trái luật của mình sẽ trót lọt.

Nhưng chỉ vỏn vẹn một tháng kể từ khi rộ lên tin đồn ông Hà Văn Thắm là tỷ phú USD thứ 2 của Việt Nam, vị cựu chủ tịch ngân hàng này đã chính thức bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam với cáo buộc "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Dù lớp băng đã vỡ, cũng không còn con đường tươi thắm nào trước mắt cả, thế nhưng những ngày diễn ra phiên tòa xét xử "đại án" OceanBank, dư luận vẫn còn chứng kiến chút nét "thắm" trong bản lĩnh của ông Hà Văn Thắm, khi vị cựu chủ tịch ngân hàng này liên tục nhận tội thay cấp dưới.

Hà Văn Thắm

Cuộc đời ông Hà Văn Thắm, cuối cùng, chẳng thể "thắm" như cái tên

Nếu như cuộc đời ông Hà Văn Thắm chẳng thể "thắm" được như cái tên, thì ông Phạm Công Danh, người gây dựng công danh theo cách "đi mượn", cuối cùng cũng chẳng thể giữ được công danh.

Năm 2012, kể cả khi biết rằng Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) đang thua lỗ hơn 6.000 tỷ đồng, mất hết vốn, các ngân hàng ban đầu muốn tham gia tái cấu trúc lần lượt "tháo chạy", và dù biết Tập đoàn Thiên Thanh của mình chỉ có khoảng 1 tỷ đồng tiền mặt, lợi nhuận cả năm dưới 100 triệu đồng nhưng ông Phạm Công Danh, với giấc mơ ngân hàng, vẫn "lao mình" vào nhận tái cơ cấu TrustBank và rồi đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Số tiền mà ông Phạm Công Danh chi mua TrustBank phần lớn là số tiền đi mượn.

Sau khi thâu tóm được TrustBank và đổi tên thành VNCB, trước áp lực trả nợ hàng nghìn tỷ đồng, Phạm Công Danh buộc phải "làm liều", rút tiền từ VNCB để trả nợ. Đây cũng là gốc rễ dẫn đến con đường tù tội của Phạm Công Danh. "Công danh đi mượn" của Phạm Công Danh đã phải trả lại vào năm 2014, khi cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chính thức bắt vị cựu Chủ tịch VNCB này với cáo buộc "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Phạm Công Danh

Ông Phạm Công Danh cuối cùng chẳng thể giữ được công danh "đi mượn"

Nói về chuyện "cuộc đời đi ngược cái tên", ngoài ông Thắm và ông Công Danh, chẳng thể nào không nhắc đến cái tên Trầm Bê.

Cuộc đời ông Trầm Bê, người tạo ra một trong những thương vụ M&A bất ngờ nhất trên thương trường khi sáp nhập thành công "đống đổ nát" SouthernBank vào Sacombank, thường được giới ngân hàng gọi là thương vụ "cá bé nuốt cá lớn", tất nhiên chẳng thể nào gọi là "trầm" được.

Ngay cả khi gần đây, ông Trầm Bê "yên ổn" rời khỏi Sacombank sau khi cùng với SouthernBank để lại cho Sacombank hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu, thì đó cũng chẳng thể coi là "nốt trầm" trong cuộc đời Trầm Bê, thậm chí còn có thể coi là "nốt thăng" cho một cuộc rút lui "hoàn hảo".

Cái tên, chẳng thể gánh được vận mệnh đời người, như đặt tên "Công Danh" mà chẳng thể có được công danh, đặt tên "Thắm" mà cuộc đời chẳng thể tươi thắm. Tựu chung, dù ai, tên gì, vòng lao lý vẫn đón chờ nếu đã, đang làm trái pháp luật.

Tin mới lên