M&A

Sếp SCIC hé lộ ‘cửa sáng’ cho thoái vốn nhà nước năm 2020

(VNF) - “Tính đến thời điểm này, tỷ lệ bán vốn nhà nước của SCIC chỉ đạt khoảng 17%”, ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết. Ông Tùng thẳng thắn thừa nhận bức tranh thoái vốn nhà nước năm 2019 rất kém nhưng tiết lộ một "cửa sáng" cho năm 2020 đó là việc sửa đổi Nghị định 32.

Sếp SCIC hé lộ ‘cửa sáng’ cho thoái vốn nhà nước năm 2020

Thông tin về tình hình hoạt động của SCIC trong năm 2019, ông Đinh Việt Tùng cho biết doanh thu cả năm của SCIC dự kiến đạt 6.700 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch đề ra; lợi nhuận ước đạt 6.107 tỷ đồng, tương ứng 123% kế hoạch.

Năm 2019, SCIC đã tiếp nhận 13 doanh nghiệp với số vốn nhà nước là 7.160 tỷ đồng.

“Luỹ kế từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tiếp nhận 1.468 doanh nghiệp nhà nước; hiện, còn nắm giữ 148 doanh nghiệp có vốn nhà nước”, ông Đinh Việt Tùng cho biết.

Trong cả năm 2019, tỷ lệ bán vốn nhà nước của SCIC chỉ đạt khoảng 17% kế hoạch mà SCIC đề ra. Ông Tùng cho biết có rất nhiều lý do khiến bức tranh thoái vốn nhà nước trong năm qua không tươi sáng: “Chúng tôi đã nói nhiều về vướng mắc của SCIC, trong đó vướng mắc nhất là định giá doanh nghiệp”.

Ông Đinh Việt Tùng 

Theo ông Tùng, khi thiết kế chính sách, nhà quản lý nhắm tới mục tiêu mang lại giá trị cao nhất cho nhà nước khi thoái vốn nên một số điều khoản đưa ra tương đối chặt chẽ, thậm chí khó khả thi. Ông Đinh Việt Tùng lấy ví dụ: “Vấn đề định giá cái giá trị lịch sử văn hoá của doanh nghiệp là hơi máy móc”.

"Có doanh nghiệp chúng tôi mới đầu tư 2-3 năm thì làm sao có giá trị lịch sử văn hoá. Tuy nhiên, quy định vẫn yêu cầu tính 1% lịch sử văn hoá vào giá trị doanh nghiệp”, Phó tổng giám đốc SCIC nói.

Nút thắt thứ 2, theo ông Đinh Việt Tùng, là vấn đề sở hữu đất đai của doanh nghiệp nhà nước. Ông Tùng cho biết có những doanh nghiệp nhà nước thuê đất trả tiền hàng năm.

“Những yếu tố đó khiến giá trị doanh nghiệp tăng lên rất nhiều, không sát với giá thị trường. Nhiều thương vụ Thủ tướng đã duyệt danh mục thì chúng tôi buộc phải làm dù biết trước không thành công”, Phó tổng giám đốc SCIC bộc bạch.

Ông Đinh Việt Tùng cho biết những vấn đề nói trên đã được thảo luận rất nhiều, được Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến và đã quyết liệt sửa đổi nghị định 32 để tháo gỡ vướng mắc này trong năm 2020 và giai đoạn tiếp theo.

“Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo mới, sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 32. Về cơ bản là dự thảo được đưa ra rất thuận lợi cho quá trình thoái vốn”, ông Tùng chia sẻ.

Ông Tùng cho biết nghị định 32 mới nếu được thông qua sẽ tháo gỡ rất nhiều nút thắt trong định giá. Chẳng hạn, lợi thế giá trị lịch sử văn hoá tạm tính 1% sẽ được loại bỏ; lợi thế quyền sử dụng đất sẽ được  tiếp cận sát với Luật Đất đai khiến giá trị doanh nghiệp gần sát với giá trị thực tế hơn.

Ông Tùng cho rằng việc sửa đổi nghị định 32 sẽ khiến bức tranh thoái vốn năm 2020 khởi sắc hơn 2019 rất nhiều. 

Bình luận về ý kiến của Phó tổng giám đốc SCIC Đinh Việt Tùng liên quan đến vấn đề thoái vốn nhà nước, ông Nhữ Đình Hoà – Tổng giám đốc Chứng khoán Bảo Việt, cho rằng việc các cơ quan quản lý điều chỉnh chính sách cho sát với thực tế là cần thiết nhưng không phải là yếu tố quyết định tiến độ thoái vốn.

Từ kinh nghiệm tư vấn những thương vụ bán vốn “khủng” bán vốn tại Sabeco cho Thaibev hay mới đây nhất là thương vụ phát hành riêng lẻ của Bảo Việt cho Sunimoto Life với giá bán cao hơn thị giá 30%, ông Hoà cho rằng yếu tố cốt lõi quyết định thành công của các đợt thoái vốn là chất lượng doanh nghiệp.

Theo ông Nhữ Đình Hoà, chất lượng doanh nghiệp phản ánh qua 2 khía cạnh. Thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước phải sản xuất kinh doanh hiệu quả. Thứ hai, doanh nghiệp đó phải được quản trị minh bạch.

Tin mới lên