Tài chính

Sếp SSI lên tiếng về TTCK, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra

(VNF) - Chủ tịch SSI nói ông lạc quan với cách thức điều hành của Chính phủ hiện nay, theo đó chú trọng "định hướng nguồn lực thông qua các chính sách" thay vì "huy động và đứng ra phân bổ nguồn lực" như đã làm trong quá khứ.

Sếp SSI lên tiếng về TTCK, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra thông tin một số báo phản ánh về: thị trường chứng khoán; việc nộp lệ phí và thuế.

Cụ thể, theo VPCP, một số báo ngày 27/3/2017 nêu: "Nhiều nhà phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán đang ở một chu kỳ tăng trưởng mới và chứng khoán được xem là một kênh đầu tư hấp dẫn năm 2017. Một số tổ chức tài chính quốc tế gần đây đã có những nhận định khá tích cực về kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn cho rằng mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá khá tích cực về nền kinh tế Việt Nam nhưng cũng lo ngại về mức độ minh bạch của thị trường chứng khoán.

Việc thị trường chứng khoán phát triển mạnh sẽ tạo thuận lợi cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đưa các cổ phiếu lên sàn cũng như thoái vốn. Tuy nhiên, quy mô thị trường chưa lớn, sức hấp thụ còn yếu nên cần tính toán lộ trình phù hợp và cần có cơ chế chính sách khuyến khích hơn nữa các nhà đầu tư trong, ngoài nước, trong đó chú trọng 2 điểm: (i) bảo đảm thông tin chính xác, minh bạch, thường xuyên và (ii) bảo vệ nhà đầu tư".

Trước thông tin này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra để báo cáo.

Trước đó, trên facebook cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI đã có bài viết sau đó được một số báo chí trích dẫn hoặc đăng lại.

Ông Hưng viết: "Sang Mỹ kêu gọi đầu tư, các nhà đầu tư đã nói với tôi suy nghĩ của họ, mà nội dung giống như Tổng Giám Đốc WB phát biểu nhân chuyến thăm Việt Nam là: "Việt Nam cần phải có động lực tăng trưởng mới". 

Những động lực cũ như lao động giá rẻ hay tăng trưởng dựa vào xuất khẩu không còn tồn tại, vay nợ đầu tư phát triển không đơn giản khi nợ công đã đã vượt trần cho phép của Quốc hội.

Chúng tôi đã đồng thuận nhận định, động lực mới của Việt Nam là những nguyên tắc cải cách mà Chính phủ đang triển khai, đó là "thay vì Chính phủ tập trung huy động và đứng ra phân bổ nguồn lực" như đã làm trong quá khứ, Chính phủ hiện tại chú trọng "định hướng nguồn lực thông qua các chính sách" và để các thành phần kinh tế chủ động "huy động nguồn lực". Thị trường sẽ tự "phân bổ nguồn lực" dựa vào hiệu quả của lĩnh vực đầu tư. 

Nguyên tắc này đang được triển khai quyết liệt sẽ cải cách đáng kể hiệu quả đầu tư, vốn đang là lý do yếu kém của nền kinh tế và cũng là nguyên nhân gây ra nợ xấu trong quá khứ. Hiệu quả đầu tư nâng lên sẽ tăng khả năng thu và cân đối được thu chi ngân sách, cũng như đảm bảo sự tăng trưởng bền vững, định mức tín nhiệm quốc gia sẽ được nâng hạng, chi phí huy động sẽ thấp hơn và khả năng huy động trái phiếu chính phủ thành công sẽ cao hơn ở thị trường tài chính quốc tế".

Ông Hưng cũng cho rằng "thực sự Tây đang đánh giá nền kinh tế Ta tích cực hơn nhiều Ta đánh giá Ta. Nhưng Tây dù tin vào triển vọng của nền kinh tế nhưng Tây lại đang lo ngại về độ minh bạch của thị trường chứng khoán, họ dự đoán việc nâng hạng thị trường của chúng ta không sớm diễn ra nếu Chính phủ không đưa ra các giải pháp nhắm tới mục tiêu nâng hạng, và chỉ nâng hạng thì thị trường chứng khoán Việt Nam mới có sức hút trở lại với những nhà đầu tư tải chính".

Ngay sau yêu cầu của Thủ tướng được VPCP phát đi chiều nay (3/4), ông Nguyễn Duy Hưng đã chia sẻ thông tin này trên facebook cá nhân với thông điệp: "Chính phủ luôn đặt quyền lợi nhà đầu tư lên trên hết "Bảo đảm thông tin chính xác, minh bạch, thường xuyên và bảo vệ nhà đầu tư". 

Chỉ với thông tin này, chúng ta có thể tự tin khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng thành thị trường mới nổi sẽ không còn xa nữa. Tin vui cho thị trường đặc biệt cho nhà đầu tư trong và ngoài nước".

Tin mới lên