Tài chính tiêu dùng

Sếp VietinBank: 'Tiềm năng phát triển thanh toán qua QR code rất lớn'

(VNF) - "Nếu như sự ra đời của Internet đã giúp thế giới có thêm loại hình kinh doanh trực tuyến thì các thiết bị di động đang giúp chúng ta có thêm những phương thức thanh toán điện tử tiện dụng nhất. Trong bối cảnh đó, sự ra đời và phát triển của QR Pay đang được xem là một hiện tượng, hứa hẹn thay thế các phương thức thanh toán truyền thống", ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank nói.

Sếp VietinBank: 'Tiềm năng phát triển thanh toán qua QR code rất lớn'

Chia sẻ tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017, ông Lân cho rằng, việc chuyển dịch từ Internet banking sang Mobile banking được xem là bước đột phá giúp cho các ngân hàng đưa các sản phẩm dịch vụ tới gần hơn với khách hàng. Theo đó, các ngân hàng chạy đua trong việc đưa ra các ứng dụng ngân hàng điện tử trên nền di động với giao diện đẹp mắt, dịch vụ tiện ích để thu hút khách hàng.

Các giao dịch chuyển khoản, gửi tiết kiệm, trả nợ vay, thanh toán hóa đơn như điện, nước, viễn thông… được thực hiện tiện dụng qua Mobile banking. Mặc dù đã có những phát triển vượt bậc trong việc hỗ trợ thanh toán nhanh, góp phần thúc đẩy lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt nhưng thanh toán qua Mobile Banking hiện chưa thực sự phổ biến tới người dân.

"Trong bối cảnh đó, sự ra đời và phát triển của QR Pay đang được xem là một hiện tượng, hứa hẹn thay thế các phương thức thanh toán truyền thống" – ông Lân nhận định.

Ông Lân cho rằng, tại Việt Nam, tiềm năng thanh toán qua QR code là rất lớn khi dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ và đặc biệt quá nửa dân số Việt Nam đang sử dụng smartphone.

Cụ thể, tính từ đầu năm 2017 tới hết tháng 9/2017, thanh toán qua QR code tăng trưởng 120%, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR code tăng lên tới gần 5.000 điểm và dự báo đến hết năm 2018 sẽ là 50.000 điểm (theo tính toán từ Công ty Cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam - VnPay) và hiện nay đã có tới 12 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR code.

Ông cũng cho rằng Việt Nam dù là thị trường tiềm năng cho hoạt động thanh toán QR code, nhưng để đạt được kỳ vọng đưa QR Pay thực sự phát triển và trở thành kênh thanh toán tiện dụng, thay thế cơ bản các hoạt động thanh toán bằng tiền mặt thì cần phải thực thi nhiều vấn đề.

Thứ nhất, theo đại diện VietinBank, đó là cần sớm nghiên cứu và đưa ra một tiêu chuẩn thống nhất về định dạng QR code trong thanh toán di động cho thị trường Việt Nam. Ông nhấn mạnh đây là tiền đề đầu tiên, đặt nền móng cho việc thực hiện thanh toán liên thông trong toàn thị trường. Tránh việc mỗi một hoặc một nhóm các Ngân hàng, tổ chức/trung gian thanh toán phát hành một định dạng QR code riêng, gây khó khăn cho người mua và người bán.

"Khi có một chuẩn QR code chung cho toàn thị trường, ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng khác nhau đều có thể đọc hiểu và chấp nhận thanh toán cho một mã QR duy nhất gắn với một sản phẩm hoặc hóa đơn xác định. Điều này về mặt hình ảnh tương tự như việc một máy POS do một ngân hàng lắp đặt có thể đọc và chấp nhận thanh toán cho thẻ do ngân hàng khác phát hành", ông nói.

Tiếp theo, ông cho rằng cần có các chương trình hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng phương thức thanh toán QR code. QR code  tiện dụng và dễ áp dụng cho các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu vi mô, các hộ kinh doanh cá thể với chi phí thực hiện tương đối thấp. 

Bên cạnh đó, từ bản thân người dân cũng cần chuyển dịch thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt sang phương thức thanh toán mới tiện dụng hơn.

Cùng với đó, các ngân hàng thương mại tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh đảm bảo sự thông suốt trong hoạt động thanh toán; đơn giản háa các thủ tục, quy trình đăng ký merchant. Với hình thức thanh toán POS, các merchant phải đến ngân hàng để làm thủ tục đăng ký mở POS và đợi khoảng 7 ngày làm việc kể từ khi nộp đơn cho tới khi điểm thanh toán thực sự được chấp nhận thanh toán Thẻ.

"Nếu các QR merchant cũng phải đi theo quy trình này thì việc nhanh chóng phủ rộng QR Pay sẽ khó có thể thực hiện được", ông Lân nhấn mạnh.

Tin mới lên