Đại dịch Covid 19 đã khiến cho Vietnam Airlines, cánh chim đầu đàn của ngành hàng không Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong thời điểm hiện nay. Trong bài trả lời phỏng vấn riêng Đầu tư Tài chính, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đã trải lòng về những kế hoạch tương lai để có thể cất cánh hiệu quả trở lại trên thị trường.

Ông Lê Hồng Hà: Theo báo cáo mới nhất ngày 01/9 vừa qua của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), tổng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong tháng 7/2021 giảm 53% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khu vực Châu Á - Thái Bình Dương giảm tới 63%. Ngày 07/9, Tổ chức Hàng không Dân dụng Thế giới (ICAO) đưa ra dự báo về bức tranh hoạt động vận tải hàng không năm 2021 so với năm 2019: Ghế cung ứng giảm khoảng 40%, sản lượng khách giảm gần 50%, doanh thu sụt giảm xấp xỉ 55% (tương đương 320 tỷ USD). 

Tại Việt Nam, năm 2021 là giai đoạn chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không dân dụng nước ta. Tình hình dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng hơn dự đoán và xấu hơn nhiều so với năm 2020. Do mất trắng hai giai đoạn cao điểm Tết Âm lịch và cao điểm hè, đặc biệt là đợt bùng phát dịch từ cuối tháng 4 dự kiến sẽ còn kéo dài đến hết năm, các hãng hàng không tại Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn và trong tình trạng thua lỗ nặng nề hơn năm trước.

Trong tháng 8 vừa qua, tất cả các hãng hàng không Việt chỉ bay hơn 1.500 chuyến, giảm hơn 93% so với tháng 4. Khách nội địa giảm hơn 98% so với cùng kỳ và giảm đến 99,5% so với năm 2019. Căng thẳng nhất, có những ngày chỉ có duy nhất một chuyến bay một chiều từ Hà Nội vào TP.HCM do Vietnam Airlines khai thác để chuyên chở y bác sĩ đi chống dịch. Trong khi đó, hoạt động bay quốc tế - mảng kinh doanh đóng góp đến 65% doanh thu vận tải hành khách của Vietnam Airlines - vẫn tạm dừng khai thác từ tháng 3 năm ngoái đến nay.

Tính tổng 8 tháng đầu năm, lượng khách nội địa đã giảm gần 30% so với cùng kỳ và giảm xấp xỉ 50% so với năm 2019; còn lượng khách quốc tế chỉ bằng 1,3% so với năm 2019. Doanh thu vận tải hàng không 9 tháng đầu năm dự kiến thấp hơn 52% so với cùng kỳ 2020 và thấp hơn 80% so với cùng kỳ 2019.

Ông Lê Hồng Hà: Trước diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng của dịch bệnh, Vietnam Airlines đã đưa vào tính toán và điều hành theo kịch bản xấu trong 6 tháng cuối năm. Do năng lực sản xuất chỉ sử dụng ở mức thấp, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi, hoạt động vận tải sụt giảm, gián đoạn khiến nguồn thu và dòng tiền của các hãng hàng không suy giảm mạnh.

Với Vietnam Airlines, dòng tiền thu hiện tại chỉ xấp xỉ khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm một nửa so với năm 2020, chủ yếu có được nhờ việc đẩy mạnh các chuyến bay chở hàng hóa và chuyến bay hồi hương.

Trong khi đó, do đặc thù của ngành hàng không, dù hoạt động vận tải giảm mạnh, các hãng bay vẫn phải trả chi phí cố định rất lớn như phí thuê tàu bay, phí bảo dưỡng, phí bãi đỗ, các chi phí duy trì hoạt động khác.

Các hãng hàng không nói chung và Vietnam Airlines đang tiếp tục suy kiệt tiền mặt và gia tăng nợ phải trả quá hạn. Mức thâm hụt dòng tiền trong 8 tháng đầu năm 2021 của Vietnam Airlines ở mức trên 12.000 tỷ đồng và nợ phải trả quá hạn ở mức trên 13.500 tỷ đồng. 

Hiện tại, Vietnam Airlines vẫn đang tìm mọi giải pháp để duy trì hoạt động liên tục. Chúng tôi kỳ vọng, với chính sách kiểm soát dịch bệnh quyết liệt của Chính phủ, hoạt động vận tải hàng không sẽ sớm quay trở lại và tình hình kinh doanh cũng như dòng tiền của Vietnam Airlines sẽ sớm được cải thiện.

Ông Lê Hồng Hà: Tháng 7 vừa qua, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng cho vay tín dụng 4.000 tỷ đồng với một số ngân hàng thương mại. Đến nay chúng tôi đã giải ngân được trên 60% và dự kiến sẽ hoàn thành việc giải ngân toàn bộ khoản vay này trong năm 2021. 

Bên cạnh đó, chúng tôi đã triển khai thành công phương án phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Đợt phát hành kết thúc vào tháng 9 vừa qua với gần 800 triệu cổ phiếu được phân phối, tương ứng 99,5% số cổ phiếu chào bán, với số tiền thu được gần 8.000 tỷ đồng. Sau đợt phát hành này, Vietnam Airlines đã được bổ sung đáng kể về nguồn vốn và dòng tiền, tình hình tài chính được cải thiện, tiếp tục mở ra cơ hội để vượt qua khó khăn và tạo đà phát triển trong tương lai.

Chúng tôi luôn nhận thức trách nhiệm phải sử dụng nguồn vốn này một cách công khai, minh bạch và đúng mục đích. Vì vậy, số tiền gần 12.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và vay ngân hàng sẽ được dùng để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và bù đắp thiếu hụt thanh khoản do đại dịch Covid-19, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.

Cụ thể hơn, toàn bộ nguồn tiền từ khoản vay 4.000 tỷ đồng sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ phải trả quá hạn gắn với quá trình đàm phán với các đối tác về giảm, giãn, hoãn các khoản nợ. Các khoản được ưu tiên là tiền thuê máy bay, sửa chữa và bảo dưỡng máy bay, các khoản nợ của các nhà cung ứng dịch vụ tại sân bay.

Nguồn tiền có được từ phát hành cổ phiếu tăng vốn sẽ được dùng cho việc bổ sung vốn lưu động, hỗ trợ thanh khoản để thanh toán các khoản vay đến hạn trả, các khoản nợ phải trả quá hạn và dự phòng trong trường hợp dịch bệnh bệnh tiếp tục có diễn biến phức tạp, kéo dài.

Ông Lê Hồng Hà: Vietnam Airlines đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ứng phó với những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong đó, Đề án tái cơ cấu tổng thể giai đoạn 2021 - 2025 được chúng tôi xây dựng không chỉ để ứng phó với giai đoạn khó khăn này mà còn nhằm hướng tới sự thay đổi, thích nghi với những biến động của môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Vietnam Airlines để nhanh chóng phục hồi, bứt phá và phát triển bền vững sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Các giải pháp đang được chúng tôi áp dụng là đẩy mạnh chuyên chở hàng hóa, bay các chuyến hồi hương; cắt giảm, tiết kiệm triệt để chi phí hoạt động trong ngắn hạn và tối ưu hóa cấu trúc chi phí với mục tiêu tiếp tục giảm chi phí trong giai đoạn sau đại dịch.

Mục tiêu chi phí cắt giảm được trong năm 2021 là khoảng 10.900 tỷ đồng, trong đó các giải pháp tự thân và đàm phán với đối tác là trên 6.800 tỷ đồng, chủ yếu trong lĩnh vực thuê tàu bay, sửa chữa và bảo dưỡng tàu bay, động cơ... Vừa qua, chúng tôi đã đàm phán và đạt được những kết quả tích cực với một số đối tác cho thuê tàu bay thông qua việc hủy tiếp nhận tàu bay, giảm giá, giãn tiến độ thanh toán.

Bên cạnh đó, công tác rà soát, sắp xếp, tinh giản bộ máy tổ chức, giảm bớt đầu mối xử lý công việc, phân công tổ chức lao động khoa học cũng là giải pháp để nâng cao năng suất, tối ưu hóa nguồn lực, qua đó giảm chi phí và cải thiện thu nhập cho người lao động. Đến nay Vietnam Airlines đã giảm 4 đầu mối cấp ban, đơn vị ở Tổng công ty và 70 đầu mối cấp phòng ở cơ quan, đơn vị, tiếp tục hướng đến giảm thêm 25-26 đầu mối trong những năm tới.

Ngoài ra, tái cơ cấu nguồn vốn và duy trì trạng thái tài chính phù hợp thông qua tăng vốn chủ sở hữu và tái cơ cấu nợ vay cũng là nội dung nằm trong đề án này. Các giải pháp cụ thể chính là phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ và đàm phán với các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho vay.

Cuối cùng là tái cơ cấu tài sản để gia tăng thu nhập, dòng tiền. Nội dung này bao gồm thanh lý, bán và thuê lại đội tàu bay, đồng thời tái cơ cấu danh mục đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Hoạt động tái cơ cấu đội bay giúp bổ sung đáng kể dòng tiền và thu nhập cho Vietnam Airlines, đồng thời việc giảm quy mô đội bay phù hợp với quy mô sản xuất kinh doanh còn giúp giảm rất nhiều chi phí liên quan như chi phí khấu hao, sửa chữa bảo dưỡng tàu bay... 

Trong mục tiêu cắt giảm chi phí năm 2021 bằng nỗ lực tự thân (hơn 6.800 tỷ đồng), khoản chi phí dự kiến cắt giảm liên quan đến đội tàu bay chiếm đến 78%. Chúng tôi cũng đang báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện điều chỉnh chính sách khấu hao máy bay, phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng phù hợp với thực tế tình hình khai thác đội máy bay hiện nay.

Ông Lê Hồng Hà: Vietnam Airlines đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch sản xuất kinh doanh, khôi phục mạng bay, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như các chương trình kích cầu phù hợp, đặc biệt là đảm bảo tối đa an toàn trong phòng, chống dịch. Ở mạng bay nội địa, dự kiến Vietnam Airlines sẽ tiếp tục điều hành tải bám sát nhu cầu thị trường và diễn biến dịch bệnh.

Bên cạnh mạng bay nội địa, Vietnam Airlines đang tích cực chuẩn bị cho việc mở cửa đường bay quốc tế bằng việc phối hợp với các cơ quan, đối tác triển khai chương trình thí điểm của Chính phủ về hộ chiếu sức khỏe điện tử.

Tháng 9 vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và một số tỉnh, thành thực hiện thành công các chuyến bay đầu tiên áp dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass cho hành khách từ Việt Nam đi quốc tế và ngược lại.

Ngoài các giải pháp về việc từng bước khôi phục mạng bay trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh ở mức cao nhất, khai thác có hiệu quả, Vietnam Airlines tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tái cấu trúc cơ cấu tổ chức, đội tàu bay, hệ thống, đồng thời rà soát các quy trình công việc để tăng tính chủ động, linh hoạt và hiệu quả.

Ông Lê Hồng Hà: Theo dự báo của IATA, ngành hàng không thế giới đến năm 2023 mới có thể hồi phục như trước đại dịch. Vietnam Airlines cũng cần ít nhất 2 - 3 năm nữa để phục hồi ở mức đã đạt được vào năm 2019.

Trước tình hình dịch bệnh kéo dài trong năm 2021, một số quốc gia trên thế giới đã quyết định bổ sung hoặc kéo dài các khoản hỗ trợ cho các hãng hàng không như Mỹ, Pháp, Hà Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Việc hỗ trợ được triển khai dưới nhiều hình thức như cho vay, tài trợ bằng vốn chủ sở hữu, trợ cấp lương, giảm thuế, phí... 

Tại Việt Nam, các giải pháp hỗ trợ ngành hàng không nói chung và các hãng hàng không nói riêng đã và đang được Chính phủ triển khai với quy mô lớn, đồng bộ và có sự tham gia của các cấp, các ngành.

Tuy nhiên, kể cả khi thực hiện tất cả giải pháp nội lực và các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục kéo dài như hiện nay, Vietnam Airlines sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khả năng thanh toán và khả năng duy trì hoạt động liên tục nếu không có sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính tiếp theo của Chính phủ.  

Hiện nay, Vietnam Airlines đang làm việc với các cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý ngành để nghiên cứu, đề xuất lên Chính phủ phương án kéo dài các giải pháp hỗ trợ đã có cho các hãng hàng không.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ sở hữu nghiên cứu, xây dựng gói hỗ trợ thanh khoản tiếp theo để báo cáo, đề xuất với Chính phủ trong thời gian tới đây.

 

Chúng tôi tin rằng các giải pháp Chính phủ hỗ trợ về cơ chế chính sách cũng như nguồn lực tài chính được bổ sung từ gói hỗ trợ tiếp theo sẽ giúp Vietnam Airlines nhanh chóng vượt qua khó khăn, từng bước giảm lỗ, sớm phục hồi và phát triển bền vững. 

Cuối cùng và quan trọng nhất, việc kiểm soát thành công dịch bệnh chính là chìa khóa cho sự phục hồi của ngành hàng không. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, đồng thời Chính phủ sẽ có lộ trình mở cửa một cách phù hợp, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa giúp phát triển kinh tế đất nước.

BÀI & ẢNH: ĐINH TỊNH

THIẾT KẾ: ANH THƯ