Tiêu điểm

SFC Việt Nam bị World Bank 'cấm tham gia đấu thầu ít nhất 10 năm'

(VNF) -Ngân hàng thế giới (WB) vừa phát đi thông cáo báo chí về việc xử phạt Công ty Đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam và cấm công ty này tham gia đấu thầu tối thiểu 10 năm do sai phạm trong 2 dự án tại Việt Nam.

SFC Việt Nam bị World Bank 'cấm tham gia đấu thầu ít nhất 10 năm'

Theo thông báo này, WB không cho phép SFC và các chi nhánh của công ty này tham gia thầu tối thiểu là 10 năm do những sai phạm khi triển khai các dự án do WB cấp vốn. Riêng Tổng Giám đốc Nguyễn Phương Quý và bất kỳ công ty nào mà ông trực tiếp điều hành cũng không được tham gia đấu thầu tối thiểu 11 năm.

WB cho biết, Hội đồng xử phạt độc lập của World Bank đã đưa ra quyết định trên dựa vào các bằng chứng về hành vi lừa đảo và thông đồng thuộc hai dự án bao gồm Dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án tại Việt Nam và Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng.

Theo điều tra của World Bank, SFC Việt Nam đã liên tục có các hành vi sai trái, trong đó cá nhân Tổng giám đốc Nguyễn Phương Quý là người trực tiếp tham gia.

Cụ thể, công ty này và ông Quý đã cung cấp tài liệu, giấy tờ gian lận liên quan tới kinh nghiệm, năng lực cho một nhà thầu quốc tế trong quá trình cấu kết với một doanh nghiệp nước ngoài để chuẩn bị các đề xuất tài chính gian lận, thực hiện hành vi thông thầu với một nhà thầu quốc tế trong một hợp đồng công trình.

"Bằng chứng về gian lận và tham nhũng trong bất kỳ dự án nào mà Ngân hàng tài trợ là một lời nhắc nhở đối với những người có trách nhiệm cần hành động để giữ được sự liêm chính và giảm thiểu một cách hiệu quả những rủi ro về tham nhũng. Quyết định này thể hiện sự cam kết WB trong việc tiếp tục hành động theo nguyên tắc trên', Leonard McCarthy, Phó Chủ tịch phụ trách Vụ Liêm chính của WB cho biết.

Việc tước quyền hoạt động đấu thầu của SFC Việt Nam sẽ có giá trị áp dụng với các ngân hàng phát triển đa phương khác theo Thỏa thuận chung về công nhận các quy định cấm được ký kết ngày 09/4/2010.

SFC là tập đoàn đa quốc gia về xử lý nước và nước thải. SFC có các công ty, trụ sở và các chi nhánh, đại diện tại 25 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. SFC Việt Nam là một trong những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực xử lý nước thải, tham gia nhiều dự án hợp tác công tư (PPP) tại Việt Nam.

SFC đã được giao thực hiện trạm xử lý nước thải Hòa Xuân tại Đà Nẵng để xử lý nước thải sinh hoạt cho thành phố. Chủ đầu tư của dự án là Sở Giao thông vận tải được đại diện bởi Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (PIIP).

Ngoài dự án trạm nước thải Hòa Xuân, SFC Việt Nam đang triển khai nhiều dự án ODA xử lý nước thải quy mô lớn của các tổ chức quốc tế lớn bao gồm nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây, nhà máy xử lý nước thải toàn thành phố Vinh (Nghệ An), Bắc Ninh, Hải Dương,...

Trước đó, vào hồi tháng 4/2015, công ty Louis Berger Group của Mỹ cũng đã bị WB cấm cửa vì có hành vi tham nhũng trong 2 dự án, trong đó có dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở thành phố Đà Nẵng. Theo đó, WB quyết định không cho phép công ty này tham gia vào các dự án sử dụng vốn của mình. Thời hạn của việc "cấm cửa" kéo dài một năm, đồng thời công ty mẹ của LBG là Tập đoàn Berger Group Holdings cũng bị hạn chế đấu thầu các dự án của WB.

Tin mới lên