Ngân hàng

SHB lãi lớn, vẫn lo

(VNF) – Mặc dù lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2017 tăng vọt 52,8% nhưng ở SHB vẫn còn đó nỗi lo dai dẳng mang tên "nợ xấu".

SHB lãi lớn, vẫn lo

Lợi nhuận trước thuế của SHB tăng vọt 52,8% trong nửa đầu năm 2017

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2017, theo đó, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2017 của SHB đạt 801 tỷ đồng, tăng tới 52,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự tăng vọt về lợi nhuận của SHB chủ yếu đến từ khởi sắc trong hoạt động tín dụng – đầu tư. Nửa đầu năm nay, hoạt động này đem về cho SHB tới 2.105 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 27%, tương ứng tăng 448 tỷ đồng.

Trong khi đó, mảng dịch vụ cũng đem về cho SHB mức lãi thuần đáng khích lệ 180 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2016.

Các hoạt động khác của SHB không ghi nhận lãi thuần đáng kể, thậm chí còn lỗ thuần như trường hợp mảng mua bán chứng khoán đầu tư.

Tựu chung, kết thúc nửa đầu năm, lợi nhuận thuần của SHB đạt 1.094 tỷ đồng, tăng 43,6%. Thêm vào đó, SHB cũng giảm tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần từ 31,1% xuống còn 26,7%, là nguyên nhân cộng hưởng khiến lợi nhuận trước thuế của SHB tăng vọt 52,8%.

Mặc dù lãi lớn, tuy nhiên ở SHB vẫn còn đó nỗi lo nợ xấu.

Tính đến hết ngày 30/6/2017, nợ xấu nội bảng của SHB ở mức 3.332 tỷ đồng, chiếm 1,85% dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, ước tính từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 cho thấy, hiện SHB vẫn còn khoảng 6.000 – 7.000 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC chưa trích lập dự phòng.

Ngoài nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng tại VAMC, ở SHB còn đang tiềm ẩn lượng nợ xấu không nhỏ nằm trong khoản mục "Tài sản Có khác".

Tổng Tài sản Có khác của SHB đến hết ngày 30/6/2017 lên đến 18.722 tỷ đồng, tăng 16,4% so với hồi đầu năm, trong đó đáng chú ý, lãi dự thu của SHB ở mức cao 8.989 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tài sản Có khác của SHB cũng lên đến 8.596 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm các khoản Ủy thác tồn động từ Habubank, các khoản chờ thanh toán liên ngân hàng, tài sản gán nợ chờ xử lý…

Mặc dù nợ xấu tiềm ẩn rất đáng kể, tuy nhiên, SHB hiện đang được hưởng "đặc quyền" thoái lãi dự thu và trích lập dự phòng dưới chuẩn thông thường trong khoảng thời gian 2016 – 2024 theo Đề án sáp nhập Habubank vào SHB chỉnh sửa, bổ sung được NHNN phê duyệt hồi tháng 11/2016, đồng nghĩa, lượng nợ xấu tiềm ẩn này vẫn sẽ dai dẳng trong khoảng thời gian dài thay vì "hy sinh" tạm thời để xử lý dứt điểm.

Tin mới lên