Ngân hàng

SHB sáp nhập VVF: rước ‘cô gái đẹp’ hay rước ‘cục nợ’?

(VNF) – Ngoài các vấn đề tài chính còn tồn tại thì ngay trước khi về với SHB, VVF đã "tranh thủ" lập thêm kỷ lục về thua lỗ.

SHB sáp nhập VVF: rước ‘cô gái đẹp’ hay rước ‘cục nợ’?

VVF lập kỷ lục thua lỗ trước khi về với SHB

Lỗ kỷ lục trước khi sáp nhập

Khi tiết lộ về kế hoạch sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex-Viettel (VVF) cách đây hơn một năm, ông bầu Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch ngân hàng SHB từng ví von rằng: "VVF như một cô gái đẹp, lành mạnh được SHB "cưới" về và ngay sau khi "cô con dâu" VVF về SHB đã có lãi luôn". Từ đó cho đến nay, SHB mới được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương sáp nhập VVF.

Nhưng những số liệu mới nhất về tình hình kinh doanh của VVF lại cho thấy, "cô gái" được bầu Hiển cho là đẹp này chưa về nhà chồng thì đã kịp xuống sắc thêm.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý II/2016, VVF đã lỗ tới 31,1 tỷ đồng chỉ trong quý II/2016. Đây là mức lỗ kỷ lục trong một quý của VVF.

Nguyên nhân chủ yếu là do công ty này chỉ kiếm được 8,3 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong quý II/2016 trong khi lại chịu khoản lỗ tới 22,5 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư. Mức lỗ càng được gia tăng thêm khi VVF phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 13,3 tỷ đồng.

Tính trong nửa đầu năm 2016, thu nhập lãi thuần của VVF đạt mức 13,2 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2015. Lợi nhuận sau thuế của VVF ở mức âm (-) 30,4 tỷ đồng, trong khi 6 tháng đầu năm 2015, con số này là 13 tỷ đồng.

Với con số lỗ 30,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016 thì "cô con dâu tương lai" của SHB khi về nhà chồng sẽ khó có thể khiến SHB có lãi luôn như lời bầu Hiển nói trong năm 2015.

VVF – "cô dâu" nhiều vết thương chưa lành

Một trong những điểm gây tranh cãi nhất trong thương vụ sáp nhập VVF vào SHB là vấn đề tài chính của VVF.

Tính đến hết ngày 30/06/2016, VVF đang gửi tổng cộng 543 tỷ đồng tiền và vàng tại các tổ chức tín dụng khác nhưng lại phải trích lập dự phòng rủi ro tới 27,6 tỷ đồng.

Đồng thời, VVF cũng phải trích lập dự phòng rủi ro 17,3 tỷ đồng trên tổng cộng 113 tỷ đồng cho vay khách hàng.

Khoản trích lập dự phòng lớn nhất của VVF lên tới 52,5 tỷ đồng là khoản trích lập dự phòng cho 150 tỷ đồng chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, tương đương tỷ lệ trích lập rất cao 35%.

Toàn bộ 150 tỷ đồng này là trái phiếu doanh nghiệp của CTCP Tập đoàn Vina Megastar được SeABank bảo lãnh. Tuy nhiên, Tập đoàn Vina Megastar không thanh toán gốc và lãi cho VVF và bên bảo lãnh là SeABank cũng không chấp thuận thanh toán cho VVF vì cho rằng chứng thư bảo lãnh cho thương vụ này trái pháp luật.

Một điểm cũng rất đáng chú ý trong tình hình tài chính của VVF là ở vấn đề nợ xấu.

Tính đến hết ngày 30/06/2016, tổng nợ xấu của VFF là 41,9 tỷ đồng trong tổng số dư nợ cho vay là 113 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu của VFF hiện đang ở mức rất cao là 37%, tăng 3 điểm% so với con số 34% của 3 tháng trước đó.

Cũng trong 3 tháng của quý II/2016, đã có 2,1 tỷ đồng nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) của VFF chuyển sang nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), càng cho thấy nợ xấu của VFF đang diễn biến theo chiều hướng xấu.

Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý một danh mục tài sản khác của VVF là tài sản gán nợ đã chuyển quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng đang chờ xử lý với trị giá lên tới 282 tỷ đồng. Theo tìm hiểu thì 282 tỷ đồng tài sản tồn đọng này của VVF là giá trị của tầng 6-15 Chung cư Chợ Mơ với tổng diện tích khoảng 20.000 m2.

Những vết thương chưa lành này của "cô dâu" VVF có thể sẽ lành lại ngay khi được SHB bơm tiền vào, bởi quy mô của VVF so với SHB là nhỏ. Hiệu quả đến đâu thì chưa biết, chỉ biết nếu SHB bơm tiền để xử lý những vấn đề tài chính còn tồn tại cho VVF thì số tiền hụt đi đó chính là tiền của các cổ đông ngân hàng SHB.

Tin mới lên