Tài chính quốc tế

Shinhan Việt Nam lên kế hoạch 'nhảy vọt' thông qua M&A

(VNF) - Mặc dù đã hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua, Tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam - ông Shin Dong Min nói rằng đã đến lúc chi nhánh tại Việt Nam tìm kiếm một "bước nhảy vọt" về số lượng thông qua hoạt động M&A với các công ty tài chính trong nước.

Shinhan Việt Nam lên kế hoạch 'nhảy vọt' thông qua M&A

Shinhan Việt Nam lên kế hoạch tạo ra "bước nhảy vọt" về số lượng thông qua M&A các công ty tài chính trong nước

Shinhan lần đầu tiên mở văn phòng tại TP. HCM vào năm 1993, chỉ 11 năm sau khi ngân hàng này được thành lập tại Hàn Quốc. Động thái này được xem là hướng đi để tồn tại khi ngân hàng non trẻ tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh trong nước và phải tìm kiếm các cơ hội thay thế ở Việt Nam, nơi nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc rót vốn đầu tư sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1992.

Sau hơn hai thập niên, sự lựa chọn này đã trở thành động thái quan trọng cho tương lai phát triển của Ngân hàng Shinhan.

Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã trở thành ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với 18 chi nhánh và tài sản lên tới 2,5 tỷ USD tính đến cuối tháng 5/2017. Theo Asian Banker, một công ty phân tích thị trường, năm 2016, Ngân hàng Shinhan Việt Nam có mức lợi nhuận trên tài sản cao nhất trong số các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam.

Mặc dù đã hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua, Tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam - ông Shin Dong Min nói rằng đã đến lúc chi nhánh tại Việt Nam phải tìm kiếm một "bước nhảy vọt" về số lượng thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập với các công ty tài chính trong nước.

"Với tính chất của hoạt động ngân hàng, chúng tôi thừa nhận rằng tăng trưởng tự thân (organic growth) sẽ có những giới hạn",  ông Shin nói trong một cuộc phỏng vấn với The Korea Times. "Bước nhảy vọt về số lượng các chi nhánh cũng thông qua các hoạt động tiếp quản, mua bán và sáp nhập M&A sẽ là điều thiết yếu".

CEO Shinhan Vietnam

 Tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam - ông Shin Dong Min.

Nhận định này được đưa ra sau những kết quả được đánh giá là thành công của Ngân hàng Shinhan Việt Nam trong năm ngoái. Lợi nhuận ròng của ngân hàng đạt 47 triệu USD năm 2016, tăng 12% so với năm trước. Với sự tăng trưởng liên tục của tài sản, lợi nhuận ròng của Shinhan Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng thêm trong năm nay.

Mặc dù kết quả kinh doanh lạc quan nhưng ông Shin nói rằng Shinhan Việt Nam không nên tự mãn với tình hình thị trường hiện tại vì sự cạnh tranh ngày càng gay gắt tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh chóng.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,7% vào năm 2015, với tốc độ tăng trưởng trung bình từ năm 2000 đến năm 2014, đứng ở mức 6,5%.

Vào tháng 4, Shinhan Việt Nam đã mua lại mảng bán lẻ của ANZ tại Việt Nam. Ngân hàng ANZ, có mặt tại Việt Nam cùng với Shinhan vào năm 1993, đến nay đã phục vụ 125.000 khách hàng.

Vào tháng 4, Shinhan Việt Nam đã mua lại mảng bán lẻ của ANZ tại Việt Nam

Thông qua việc mua lại, Shinhan Việt Nam mong đợi sự tăng trưởng đáng kể về tiền gửi cá nhân và kinh doanh thẻ tín dụng. Ông Shin cho biết việc tiếp quản ANZ sẽ tăng thêm sức mạnh cho Shinhan Việt Nam cạnh tranh không chỉ với các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam mà còn với các ngân hàng nội địa.

Ông nói: "Các thế mạnh của ANZ nằm ở việc quản lý các khoản vay bán lẻ, cho vay tín dụng và khách hàng bất động sản. Việc tiếp quản lĩnh vực thẻ tín dụng sẽ có ý nghĩa đặc biệt, giúp Shinhan đứng thứ 6 trên thị trường và giành được vị trí thứ 3 trong vòng hai đến ba năm tới".

"Sự phát triển của ngành bán lẻ của ANZ là bước khởi đầu của quá trình này", ông Shin nói. "Để tiếp tục phát triển trong tương lai, M&A là một việc cần làm".

Điều này phù hợp với chủ trương của Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Shinhan Financial Group - ông Cho Yong-byoung nhằm đưa Ngân hàng Shinhan trở thành "ngân hàng hàng đầu ở Châu Á" thông qua M&A.

Một lãnh đạo Ngân hàng Shinhan cũng tiết lộ ngân hàng này đang nhắm tới nhiều mục tiêu M&A ở Bắc Mỹ và Đông Nam Á.

Bắt đầu từ tháng này, Shinhan Việt Nam cũng sẽ cung cấp hoạt động dịch vụ lưu ký. Mặc dù Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam nhưng các nhà đầu tư Hàn Quốc đã phải dựa vào giấy phép lưu ký của các ngân hàng nước ngoài để quản lý cổ phiếu và trái phiếu.

"Các dịch vụ chỉ có sẵn thông qua các ngân hàng lưu ký toàn cầu như HSBC hay Citibank, nhưng Shinhan Việt Nam đã trở thành một lựa chọn cho các nhà đầu tư sau khi có giấy phép vào tháng 5", ông Shin nói. "Điều này có nghĩa là Shinhan đã thiết lập một nền tảng để trở thành đối thủ của các ngân hàng toàn cầu".

Tin mới lên