Ngân hàng

Siết cho vay 'đạp phanh' sự phục hồi của doanh nghiệp

(VNF) - Vốn vẫn là thách thức với các doanh nghiệp sau 2 năm chống chọi với Covid-19. Đặc biệt, tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, cơn “khát vốn” đang khiến nhiều doanh nghiệp lao đao vì nỗ lực phục hồi hoạt động, phát triển kinh tế như bị “đạp phanh”.

Siết cho vay 'đạp phanh' sự phục hồi của doanh nghiệp

Những vướng mắc về thủ tục pháp lý trong việc đầu tư càng khiến tình hình kinh doanh thêm ảm đạm.

Doanh nghiệp khốn đốn

Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động bất thường, tiềm ẩn rủi ro, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hướng tín dụng vào sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản, chứng khoán…

Thực hiện chỉ đạo này, các tổ chức tín dụng trên cả nước nói chung và khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng đã triển khai các giải pháp siết chặt quy định cho vay trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên việc các ngân hàng đồng loạt siết chặt cho vay đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Đại diện cho một trong những nhóm doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn nhất hiện nay bởi lạm phát và sự thắt chặt tín dụng, ông Phạm Đình Hạnh (Công ty Cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng – đơn vị chuyên đầu tư các công trình giao thông và kết cấu hạ tầng khác theo hình thức BOT, BT, BOO, PPP tại Nghệ An) cho biết, sau các đợt dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do “bão” giá vật liệu xây dựng, nhân lực khan hiếm và đơn hàng xây dựng trở nên hạn hẹp.

Những vướng mắc về thủ tục pháp lý trong việc đầu tư càng khiến tình hình kinh doanh thêm ảm đạm. “Phần lớn doanh nghiệp trong ngành xây dựng dự kiến chỉ đạt 80% - 90% kế hoạch đặt ra về doanh thu và sản lượng, nhưng điều đáng lo ngại là dòng tiền và hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh vì chi phí lớn, chưa kể nợ đọng tràn lan”, ông Hạnh chia sẻ.

Theo ông Hạnh, đặc thù của các doanh nghiệp xây dựng là khi thực hiện dự án chỉ được tạm ứng 10% - 15% giá trị hợp đồng, nên phải sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để mua vật tư, huy động xe máy, nhân công. Nhưng hiện tại vốn tắc, nhiều doanh nghiệp đang ở mức vượt quá sức chịu đựng.

Ông Hà Huy Phương - chủ một dự án lớn trên địa bàn Hà Tĩnh, chia sẻ: “Chúng tôi làm dự án bất động sản đang cần nguồn vốn lớn để lấy vật liệu thi công nhưng suốt từ tháng 6 đến nay, tôi gõ cửa ngân hàng nào cũng bị lắc đầu vì hết room tín dụng. Vay nóng thì lãi suất quá cao, đợi ngân hàng cho vay thì không biết đến bao giờ, khi đó lợi nhuận cũng chẳng còn nữa. Toàn bộ kế hoạch xây dựng đang phải tạm ngừng để tìm nguồn vay”.

Theo một số doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… hoạt động chuyển nhượng bất động sản ách tắc, thị trường bất động sản hiện nay có dấu hiệu phát triển chậm lại, trầm lắng, doanh nghiệp có dấu hiệu hụt hơi, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu. Bà Trần Thị Thanh Nhàn, chủ một công ty xây dựng bất động sản lớn ở Quảng Bình, cảm thán: “Trên thực tế, dù không khẳng định siết tín dụng với lĩnh vực bất động sản nhưng các ngân hàng thương mại đã tạm dừng cho vay (bao gồm cả người mua nhà dù hồ sơ vay vốn đầy đủ) với lý do ‘kẹt’ room, từ đó dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng”.

Không chỉ chủ doanh nghiệp xây dựng mà ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ cũng ngán ngẩm khi nói đến việc đi vay vốn ngân hàng. Bà Nguyễn Thị Hương, chủ doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chia sẻ: “Siết chặt cho vay vốn bất động sản đã đành, chứ những ngành hàng như chúng tôi, ngân hàng cũng bảo hết room tín dụng. Tài sản thế chấp thì có nhưng cũng chung cảnh ngộ như các nhà đầu tư bất động sản. Ngành hàng thực phẩm cần vốn để lấy hàng dự trữ, giờ đang được giá rẻ chứ mai mốt Tết cận kề thì giá lại tăng cao, các ngân hàng nếu không cho vay trở lại chắc chúng tôi cũng dừng hoạt động”.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Trần Trọng Thành, giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại Quảng Trị, cho hay: “Doanh nghiệp chúng tôi có khá hơn là ngân hàng không từ chối vay, tuy nhiên ngân hàng lại không hẹn ngày giải ngân dù hồ sơ đã được tiếp nhận, điều này cũng không khác mấy so với các doanh nghiệp không vay được”.

Là khách hàng thường xuyên của một ngân hàng thương mại trước dịch Covid-19, anh Nguyễn Công Sơn, chủ hộ sản xuất bánh kẹo ở Hà Tĩnh, than thở: “Sau khi ngừng vay trong dịch, nay có nhu cầu vay vốn trở lại để mua nguyên liệu sản xuất nhưng cũng không được. Tôi thường vay vốn lưu động 12 tháng nhưng nay ngân hàng thông báo chỉ cho vay 6 tháng khiến tôi không dám vay vì không đủ thời gian quay vòng vốn”, anh Sơn kể.

Về phía ngân hàng, một giám đốc chi nhánh ngân hàng thương mại tại TP. Hà Tĩnh chia sẻ: Nhiều khách hàng hỏi bao giờ nới room tín dụng để cho vay lại nhưng thực tình chúng tôi cũng không dám trả lời vì không biết đến bao giờ.

Lối thoát nào cho doanh nghiệp “khát vốn”?

Một cán bộ tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Nghệ An cho biết, từ mấy tháng nay, đơn vị đã nhận được chỉ đạo từ cấp trên là không giải ngân hồ sơ vay do hết hạn mức tín dụng. Nhân viên kinh doanh của ngân hàng chỉ tập trung thu hồi nợ cũ, thúc đẩy huy động để bảo đảm thanh khoản và an toàn nguồn vốn.

Theo ông Lê Đức Thắng - Hiệp hội doanh nghiệp Hà Tĩnh, hiện nay nhiều doanh nghiệp không chỉ tại Hà Tĩnh mà ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đều khó khăn, chủ yếu do cạn vốn mà không tiếp cận được nguồn vốn vay mới. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp sẽ vô cùng khó khăn, đặc biệt với dự đoán lãi suất có thể sẽ tăng. Do đó, ông Thắng cho rằng cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, cụ thể là đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất, nhanh chóng thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp tư nhân.

Ông Phạm Đình Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An, chia sẻ: Vai trò của các tổ chức tín dụng là rất quan trọng đối với việc tham gia thị trường. Doanh nghiệp mong muốn ngân hàng có biện pháp giải quyết cơn khát vốn, phục vụ mở rộng sản xuất, phục hồi kinh tế. “Có thể xem xét đối với các ngành nghề đặc thù bị ảnh hưởng nặng sau dịch có thể tiếp cận các khoản vay với mức lãi suất ưu đãi”, ông Hạnh đề nghị.

Tin mới lên