Thị trường

Siêu tàu kẹt trên kênh Suez và thiệt hại của doanh nghiệp Việt Nam

Siêu tàu kẹt trên kênh đào Suez không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Âu mà sự tắc nghẽn này khiến các tuyến đường biển khác cũng chịu chung số phận.

Siêu tàu kẹt trên kênh Suez và thiệt hại của doanh nghiệp Việt Nam

Đến chiều 29/3, nỗ lực giải cứu tàu Ever Given đã có thành công bước đầu. Ảnh: THE NATIONAL NEWS

Trong diễn biến mới nhất, hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn chủ sở hữu tàu Ever Given ngày 29/3 cho biết phần đuôi tàu đã di chuyển ra xa bờ tây, tạo ra khoảng trống trên mặt kênh đào Suez.

Dù con tàu đã có biến chuyển và ở trong tình trạng an toàn nhưng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn chưa rõ tuyến đường thủy thương mại quan trọng nhất thế giới này sẽ mất bao lâu để thông thương trở lại.

Ảnh hưởng dây chuyền

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam lo lắng trước sự cố siêu tàu container Ever Given nặng 224.000 tấn mắc kẹt, chắn ngang kênh đào Suez (Ai Cập) gần một tuần nay. Việc kênh đào Suez bị tắc nghẽn khiến tuyến đường giao thương nhộn nhịp bậc nhất thế giới ngưng trệ, hàng hóa mắc kẹt, đẩy giá cả vận chuyển, giá dầu thế giới tăng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho biết thị trường hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi sự tắc nghẽn này, đặc biệt với các chuyến hàng xuất sang châu Âu và Mỹ.

Dự kiến thời gian cho các chuyến hàng sẽ kéo dài thêm ít nhất một tuần do tàu hàng phải đi đường vòng. Các tàu sẽ đi vòng xuống mũi Hảo Vọng rồi đánh ngược lên các cảng của Mỹ. Những tàu hàng xuất khẩu đi bờ đông Mỹ đi đường qua kênh đào Suez đều bị ảnh hưởng.

“Chi phí hãng tàu chịu nhưng quan trọng là chậm giao hàng cho đối tác. Nếu tiếp tục tắc nghẽn thì những chuyến hàng xuất khẩu tiếp theo cũng bị chậm, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, chưa kể là mặt hàng trái cây tươi, vận chuyển dài ngày sẽ ảnh hưởng đến chất lượng” - ông Tùng lo lắng.

Không chỉ xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng mà ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty Việt Á Agrifood, cho biết kẹt kênh đào Suez sẽ có tác động dây chuyền khiến tàu container chạy tuyến châu Á - châu Âu bị ảnh hưởng vì tàu chạy tuyến Á - Âu đi qua kênh đào này.

Theo ông Chất, hàng hóa của doanh nghiệp xuất sang thị trường Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan đều bị ảnh hưởng. “Hàng đã xếp vào container nhưng nằm chờ tàu. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đổ xô vào các cảng quanh TP. HCM dẫn đến việc ùn tắc, quá tải và việc giải phóng container rỗng cũng chậm hơn” - ông Chất nói.

Lo ngại thứ hai được ông Chất chỉ ra là có thể thiếu container rỗng vì kẹt kênh Suez khiến tàu chậm cập cảng đến, chậm tháo dỡ hàng, các tàu chở container rỗng hoặc hàng hóa cập cảng Việt Nam sẽ chậm. Khi đó sản xuất sẽ bị ảnh hưởng vì hàng hóa phải chờ container rỗng, chờ tàu.

Nhiều doanh nghiệp cũng lo lắng nguyên vật liệu, linh kiện nhập khẩu về chậm khiến sản xuất trong nước bị ảnh hưởng, tăng chi phí. Nguy cơ thiếu container có thể sẽ tái diễn nếu tình hình không được cải thiện.

Lo giá cước container tăng theo

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết ngoài việc chi phí giá thành cho sản xuất tăng chóng mặt ngay từ đầu năm thì cước vận tải biển đang là vấn đề nóng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Một số doanh nghiệp cho biết cước tàu tuyến châu Âu vừa hạ nhiệt thì tuyến đi Mỹ lại rất căng thẳng. Hiện nay chỗ trống cho hàng đông lạnh đi Mỹ của hầu hết các hãng tàu đều rất ít vì các hãng tàu ưu tiên cho hàng khô do giá cước có lợi hơn.

Theo phản ánh của một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại Cần Thơ, giá cước tàu cho tuyến đi Mỹ, doanh nghiệp như “cá nằm trên thớt”, đặt được chuyến là mừng cho dù chưa biết giá cước bao nhiêu vì các hãng tàu báo rất trễ và hiệu lực 10-15 ngày. Thậm chí, doanh nghiệp đặt được chỗ nhưng vì lý do nào đó không thể xuất như lịch cũng mất hơn 1.500 USD/container.

Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, nguồn cung container rỗng vẫn đảm bảo nhưng cước container vẫn quá cao, chi phí tăng, lợi nhuận doanh nghiệp giảm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết giá cước container 40 feet hàng lạnh xuất đi châu Âu hơn 5.000-6.000 USD/container, xuất đi Mỹ là hơn 5.000 USD/container.

“Nếu sự cố ở Suez không được giải quyết sớm, các hãng tàu buộc phải chuyển hải trình đi qua châu Phi, thời gian tăng lên ít nhất một tuần lễ, lượng container rỗng về Việt Nam trở nên khan hiếm hơn. Như vậy, lo ngại giá cước vận tải chắc chắn sẽ tăng lên khiến xuất khẩu của doanh nghiệp thêm khó khăn” - ông Hòe nói.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, cũng lo ngại việc kẹt kênh đào Suez sẽ tạo cơ hội cho các hãng tàu nước ngoài giữ hoặc tăng giá cước container. “Hiện Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan sẽ tiến hành kiểm tra về giá, cước phí phụ thu ngoài giá và các vấn đề liên quan đến dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển của 12 hãng tàu nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam” - ông Hiệp nói.

Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát vụ kẹt kênh Suez

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết bộ đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải nắm tiến độ giao hàng, làm hàng tại các cảng đầu mối để có biện pháp điều tiết cần thiết trong trường hợp sự cố tại kênh Suez kéo dài.

Tin mới lên