Thị trường

Siêu thị, cửa hàng tăng tốc chuyển đổi số

(VNF) - Mua sắm online lên ngôi trong những ngày giãn cách xã hội phòng chống Covid-19 vẫn đang các nhà bán lẻ tại Việt Nam tiếp tục phát triển. Điều này không chỉ giúp tăng trưởng doanh thu hiện tại mà còn trở thành xu hướng kinh doanh chủ đạo trong tương lai.

Siêu thị, cửa hàng tăng tốc chuyển đổi số

Siêu thị- cửa hàng tăng tốc chuyển đổi số

Dịch chuyển theo trào lưu

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, doanh thu bán lẻ của cả nước đạt gần 162 tỷ USD. Các kênh bán lẻ hiện đại như website, các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch hàng hóa… hiện tại đang chiếm hơn 22%, trong khi các kênh bán lẻ truyền thống chiếm đến 70% với 1,5 triệu đại lý bán lẻ và hơn 9.000 chợ truyền thống.

Sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong mùa dịch đang mang lại cơ hội cho nhiều nhà bán lẻ khác nhau. Theo thông tin từ Masan Group, kết thúc quý I/2020, kênh bán lẻ VinCommerce của tập đoàn này đã đạt tăng trưởng doanh thu thuần 40%, lợi nhuận cũng cải thiện đáng kể so với cùng kỳ. Với Masan, việc triển khai bán hàng online, đặt hàng qua điện thoại không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng mà còn để đảm bảo mục tiêu doanh thu cho VinCommerce sẽ đạt 45.000 - 48.000 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.

Ảnh minh họa

Tại hệ thống siêu thị lớn nhất Việt Nam của Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), 3 năm qua đã đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của việc mua sắm không tiền mặt cho người tiêu dùng tại hơn 800 điểm bán là siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile, Cheers. Đơn vị này đã đặt mục tiêu trong vòng 4-5 năm tới tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile, Cheers... đạt 30%.

Bên cạnh việc đầu tư nền tảng thanh toán trực tuyến, trang bị các máy cà thẻ (máy POS) tại hệ thống điểm bán, từ cuối năm 2019, Saigon Co.op ký kết hợp tác chiến lược với MoMo đẩy mạnh số hóa trên hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... và trở thành nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ số trên diện rộng.

Còn theo AEON Việt Nam, ngay từ đầu tháng 2, khi dịch chưa bùng phát, AEON Việt Nam đã nhận thấy được xu hướng mua sắm online sẽ tăng mạnh nên công ty đã tăng cường thêm nhân sự cho bộ phận giao hàng, thúc đẩy mua sắm online. Nhờ vậy kết quả kênh bán hàng online của AEON Việt Nam đã tăng trưởng rất ấn tượng, số lượng đơn hàng online tăng gấp 3 lần trong dịch vừa qua. Đặc biệt đơn vị còn có dịch vụ đi chợ hộ qua điện thoại nhằm hỗ trợ các khách hàng chưa rành về công nghệ mua sắm trên app và website, người tiêu dùng chỉ cần gọi đến số điện thoại quầy dịch vụ khách hàng sẽ có nhân viên hỗ trợ lựa chọn hàng hoá rồi thanh toán tiền mặt khi nhận hàng hoặc trả qua thẻ.

Trong khi đó siêu thị Big C, ngoài kịp thời triển khai bán hàng qua điện thoại đã bổ sung tính năng đi chợ online trên ứng dụng Chopp. Lotte Mart có ứng dụng mua sắm trực tuyến Speed L và tất cả đều được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

Xu hướng tất yếu

Khi được hỏi về cách ứng phó của Thế Giới Di Động trong bối cảnh ngành bán lẻ đang đối mặt với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thế Giới Di Động cho biết, trong tương lai, không còn sự phân biệt giữa bán lẻ online và offline. Các nhà bán lẻ online cũng phải mở mạng lưới điểm kết nối với khách hàng. Ngược lại, nhà bán lẻ offline muốn tồn tại cũng phải mở rộng bán online. Và tất cả đều phải vận hành mô hình online + offline trong 5 năm tới.

Tất cả những nhà bán lẻ truyền thống đang phải có sự chuẩn bị cho việc chuyển đổi nhanh chóng sang thương mại điện tử. UBS dự kiến bán lẻ thương mại điện tử sẽ chiếm 25% tổng doanh số bán lẻ vào năm 2025, tăng từ 15% vào năm ngoái.

Ảnh minh họa

Euromonitor, một tập đoàn nghiên cứu thị trường quốc tế, đưa ra dự đoán rằng doanh số bán lẻ của Mỹ sẽ giảm xuống 6,5% vào năm 2020 và có thể không phục hồi cho đến ít nhất năm 2022. eMarketer ước tính các mức giảm sẽ còn lớn hơn nữa, ít nhất là 10,5%.

Một phân tích từ Chris Walton đã phát hiện ra rằng bốn nhà bán lẻ lớn có thể duy trì mức doanh số cao đáng kể trong thời gian ngừng hoạt động vừa qua, hầu hết chỉ bằng con đường thông qua thương mại điện tử. Cụ thể, vào cuối tháng 3 đến tháng 4, con số này ở Best Buy là 70% doanh số bán hàng của hãng, Nordstrom khoảng 65%, Gap gần 60% và Kohl là khoảng 55%.

Một khảo sát của Google cho thấy lượng người dùng Việt Nam tìm kiếm mua hàng trực tuyến tăng hơn 40% vì ảnh hưởng của dịch. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai và có thể là “kim chỉ nam” cho các chiến lược tái cấu trúc của nhà bán lẻ. Việc mới đây doanh nghiệp bán lẻ Sài Gòn Co.op lập kỷ lục mỗi giờ bán được 1 tấn vải trên nền tảng ví điện tử là một minh chứng.

Vẫn cần giai đoạn chuyển tiếp

Trong giai đoạn tái cấu trúc, doanh thu của nhà bán lẻ có thể bị sụt giảm nhưng tiêu chí thành công là phải cải thiện được biên lợi nhuận. Ngoài vấn đề cắt giảm các chi phí thông thường, từ bây giờ một số doanh nghiệp đã quyết định mạnh tay đầu tư cho các hệ thống chuyển đổi số để tối ưu hóa quy trình để gặt hái quả ngọt trong những năm sau.

Theo ông Kengo Kurokawa, Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Asia Plus: “Điều tích cực đó là hiện nay tại Việt Nam chúng ta đã thấy sự phát triển của các doanh nghiệp giao hàng dựa trên công nghệ và hệ thống thanh toán điện tử. Sự tập trung cho các kênh trực tuyến, tiếp thị trực tuyến là điều chắc chắn. Tuy nhiên tôi vẫn muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hệ thống cửa hàng trực tiếp, khi tỉ trọng cửa hàng bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chỉ là 20%, thấp đến phân nửa so với mức trung bình ở châu Á. Do đó giải pháp tối ưu vẫn là bán hàng đa kênh”.

Các chuyên gia kinh tế dự báo xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ ngày càng thắng thế tại Việt Nam khi tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng lên đến trên 63%. Hiện tại, thanh toán không tiền mặt (TTKTM) mới chỉ đạt trên dưới 5% (bao gồm cả kênh thương mại điện tử), riêng mô hình bán lẻ có thông qua cửa hàng thì tỉ lệ TTKTM hiện chỉ xấp xỉ 3%.

Tin mới lên